Một trận chiến lại mới nổi lên gần đây tại Anh, giữa những người giận dữ vì bị bắt đeo khẩu trang và những người giận dữ vì những kẻ không tuân thủ quy định. Phe thứ nhất phất cao khẩu hiệu "Để nước Anh tự do", phàn nàn rằng lệnh cưỡng chế đeo khẩu trang là sự sỉ nhục quyền công dân và là việc làm vô ích, khi mà ở các quán bar và nhà hàng không áp dụng.

Phe thứ hai, với khẩu hiệu "Khẩu trang hay quan tài", gọi những kẻ phản đối là ích kỷ. Một số cửa hàng còn đặt các tấm gương kèm tuyên bố: "Chúng tôi đặt những tấm gương này cách xa nhau, để bạn soi vào và thấy rõ, rằng bạn là kiểu người chỉ nhìn thấy mình".

Kẹt ở giữa là những người miễn cưỡng đeo khẩu trang.

                     Một người biểu tình tại Công viên Hyde ở trung tâm London.

Theo các chuyên gia, có những lý do nhất định về mặt tâm lý giải thích cho trạng thái không thoải mái với khẩu trang; từ việc nó vốn gắn liền với tội phạm, với bệnh tật cho tới việc nó gây cản trở lớn trong giao tiếp.

Đeo khẩu trang khi nói khiến người nghe khó tiếp nhận hơn, làm cản trở khả năng hiểu, thậm chí khiến người ta khó đưa ra phán đoán nhanh về thái độ, sự tin cậy khi gặp một người lạ. Chúng còn gây ra cảm giác xấu hổ.

Tiến sĩ Becky Spelman - nhà tâm lý học kiêm Giám đốc phòng khám Trị liệu tư ở phố Harley - cho rằng việc không "đọc" được biểu cảm của người khác sẽ gây ra lo lắng. "Khẩu trang thường được tội phạm sử dụng khi gây án nên đôi khi nó tạo ra sự âu lo, dè chừng nếu ta không nhìn được rõ mặt ai đó", bà nói.

Đeo khẩu trang cũng làm giảm sự tin cậy. Spelman cho biết: "Rất khó để tin ai đó nếu ta không thể nhìn thấy biểu cảm gương mặt họ. Chúng ta không biết liệu họ có thân thiện với mình không".

Dimitrios Tsivrikos - chuyên gia tâm lý về Kinh doanh và Tiêu dùng tại University College London - nói: "Con người đặc biệt chú ý tới những chuyển động khẩu hình nhỏ của người khác. Ví dụ, bạn vô tình nhìn thấy ai đó trên YouTube, bạn ban đầu cảnh giác với họ; nhưng đột nhiên họ nở nụ cười và bạn sẽ thấy ổn hơn. Vì vậy, sắc mặt có thể tạo nên độ tin cậy".

So sánh khả năng chặn giọt bắn trong các trường hợp: không đeo khẩu trang - đeo khẩu trang 1 lớp - khẩu trang 2 lớp - khẩu trang y tế (từ trái sang) trong khi nói - khi ho và khi hắt xì (từ trên xuống).

Digby Tantan - Giáo sư tâm lý trị liệu ở Đại học Sheffield - cũng cho rằng, bộ não chúng ta hoạt động không ngừng để thu nhận những tín hiệu nhỏ nhất nhằm giải mã xem người đối diện đang nghĩ gì. Mỗi người có một cách khác nhau để "nhìn mặt mà bắt hình dong". Nên những người có thói quen tập trung vào nửa dưới của khuôn mặt sẽ cảm thấy khó chịu với khẩu trang hơn là những người thích giao tiếp bằng mắt.

Ông Tantan cũng nhận định, phe ủng hộ khẩu trang không phải là không có lý, khi họ cho rằng những kẻ phản đối là kiểu người ít nghĩ cho cộng đồng và quá tự tin vào bản thân.

"Nếu một người coi bản thân mình là nhất, không quan tâm gì tới người khác thì với họ, đeo khẩu trang chẳng có nghĩa lý gì. Nhưng một người biết nghĩ tới người khác, họ sẽ thấy đeo khẩu trang đương nhiên là hợp lý".

"Sâu xa hơn, nếu một người đã coi cơ thể mình là 'bất khả xâm phạm', chỉ người khác mới có khả năng lây nhiễm, họ sẽ thấy đeo khẩu trang là một sự sỉ nhục. Còn những người nhận thức được rằng, ai cũng có thể bị nhiễm, họ sẽ thấy đeo khẩu trang rõ ràng là một biện pháp vệ sinh công cộng cần thực hiện", ông nói

Không như các nước khác, tỷ lệ sử dụng khẩu trang tại Anh tăng chậm. Theo YouGov, chỉ 38% người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng trước khi điều luật ép buộc mới có hiệu lực, trong khi con số này ở Tây Ban Nha là 88% và ở Singapore là 90%.

Khảo sát cho thấy lý do chủ yếu khiến mọi người đeo khẩu trang là họ tin rằng có ít nguy cơ họ hoặc người khác nhiễm bệnh. Người Anh phàn nàn rằng đeo khẩu trang khiến họ trông khá ngu ngốc, trong khi người khác tin rằng họ sẽ bị nghi là nhiễm virus.

Một người cầm tấm bảng ghi "Tôi sẽ không đeo khẩu trang, không xét nghiệm hay theo dõi. Đó không phải là thứ 'bình thường mới' của tôi". Ảnh: PA.

Tiến sĩ Sander van der Linden - nhà tâm lý học thuộc Khoa Tâm lý Đại học Cambridge - cho biết: "Hầu hết mọi người chưa nhìn thấy chính trị gia nào đeo khẩu trang, nên rất thiếu những người làm gương; và việc đó cũng khiến người ta cảm giác đeo khẩu trang không phải bắt buộc. Ngoài ra, còn một số thứ chưa rõ ràng. Mọi người hiểu họ phải đeo khẩu trang khi tham gia các phương tiện giao thông công cộng, nhưng có vẻ như họ không nắm rõ liệu có bắt buộc đeo trong các cửa hàng hoặc ở những không gian kín không".

Trong khi đó, ở Scotland - nơi khẩu trang là thứ bắt buộc phải đeo hai tuần trước khi Anh áp dụng - đã có những dấu hiệu cho thấy người dân bắt đầu quen với điều này.

Stephen Reicher - Giáo sư Tâm lý xã hội tại Đại học St Andrews, Scotland - cho rằng, ở đây khẩu trang ban đầu bị nghi ngờ, nhưng việc đeo đồng loạt khiến người dân cảm thấy thoải mái hơn.

Ông nói: "Khẩu trang có thể gây nên cảm giác xấu hổ vì nếu tôi che mặt, chắc chắn phải có điều gì đó đáng xấu hổ mà tôi không muốn người khác thấy. Tôi nhớ lần đầu đeo khẩu trang: tôi - một gã dừng lại trước cửa hàng, đeo khẩu trang che kín mặt rồi mới bước vào. Thông thường, đó là dấu hiệu đáng phải cảnh giác vì trông tôi giống như một kẻ nguy hiểm và bất hảo. Nhưng thật kì lạ. Thay vì giật mình, nhân viên cửa hàng thân thiện hơn bởi chiếc khẩu trang của tôi đã bảo vệ họ. Ý nghĩa và sự nhận diện thay đổi từ 'nguy hiểm' và 'kẻ cướp' thành 'an toàn' và 'bạn'.

Sự thay đổi diễn ra khá nhanh khiến ở Scotland bây giờ người ta sẽ tự hỏi 'sao vẫn có người còn tranh cãi về khẩu trang'. Cũng giống như dây an toàn trên ôtô. Bây giờ lên xe mà không thắt dây an toàn, sẽ thấy rất kỳ quặc".

Đến nay, Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 656.000 người trên thế giới; trong đó có hơn 46.000 người Anh.

Theo ione.net