Đế chế họ Kim ở Triều Tiên trong nhiều thập kỷ qua nỗ lực thể hiện rằng chỉ có họ mới bảo vệ được người dân Triều Tiên khỏi thế giới bên ngoài - gồm các nước tư bản hoặc các thế lực thù địch khác. Nhưng giờ đây một mối nguy mới đã xuất hiện, đó là ca nghi nhiễm Covid-19 đầu tiên được công khai tại nước này.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 25/7 phải triệu tập cuộc họp khẩn sau khi có tin một kẻ đào tẩu khỏi đất nước ba năm trước đang ở thành phố Kaesong. Thanh niên 24 tuổi, họ Kim, bị nghi nhiễm nCoV, theo hãng thông tấn trung ương nhà nước KCNA.


                                                                                                Một con đường dẫn tới thành phố Kaesong của Triều Tiên chụp ngày 23/7.

Các nhà chức trách Hàn Quốc xác nhận kẻ đào tẩu đã vượt qua biên giới được giám sát nghiêm ngặt để vào Triều Tiên. Bộ Y tế Hàn Quốc cho biết người đàn ông không nhiễm virus hay có tiếp xúc với người bệnh, nhưng cảnh sát nước này cho biết y đang bị điều tra về tội cưỡng hiếp.

KCNA cho biết, kẻ đào tẩu có triệu chứng của Covid-19, nhưng không xác nhận liệu anh ta đã được xét nghiệm hay chưa. Những người có tiếp xúc với trường hợp nghi nhiễm đang được xét nghiệm và cách ly. KCNA cảnh báo về một tình huống nguy hiểm đang bắt đầu ở Kaesong có thể dẫn đến "thảm họa chết người và tàn khốc".

Rất ít chuyên gia tin rằng Triều Tiên - quốc gia gần 25 triệu dân có chung đường biên giới với Trung Quốc - có thể thoát khỏi các tác động của Covid-19. Có khả năng Triều Tiên chưa nhận diện hết được các ca nhiễm vì thiếu xét nghiệm, hoặc đã cách ly thành công được các ổ dịch nhỏ và không công bố. Nhưng nếu kẻ đào tẩu có kết quả dương tính và gây nên một đại dịch, Covid-19 có thể trở thành một trong những mối nguy lớn nhất ông Kim phải đối mặt trong suốt 9 năm đương chức.

Covid-19 là một trong những thử thách khó khăn và chết chóc nhất mà các nguyên thủ thế giới phải đối mặt, còn đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên, đây là điều đáng lo ngại theo cách riêng.

Các chuyên gia nói rằng hệ thống y tế yếu kém của Triều Tiên khó có khả năng ứng phó nếu dịch bùng phát với số lượng ca nhiễm tăng vọt. Đây có thể là lý do chính quyền Triều Tiên luôn chủ động giữ virus tránh xa khỏi đất nước.


                                                      Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (thứ hai từ trái sang) tham dự một cuộc họp khẩn cấp ở Bình Nhưỡng hôm 25/7. Ảnh: KCNA.

Triều Tiên đóng cửa các biên giới vào tháng 1 sau khi tin tức về Covid-19 bắt đầu nổi lên. Hành động như vậy có thể đi kèm cái giá khá đắt nếu xem xét trên độ phụ thuộc vào Bắc Kinh của Bình Nhưỡng về kinh tế. Nhưng quốc gia này đang ở trong một hoàn cảnh đặc biệt để ngăn chặn các ổ dịch.

Người nước ngoài nhập cảnh vào Triều Tiên cực kỳ hạn chế, ngay cả trước khi đại dịch bắt đầu. Và giờ đây con số này gần như bằng 0. Những người nước ngoài nhập cảnh vào Triều Tiên chủ yếu là các nhà ngoại giao và các nhân viên cứu trợ y tế và họ bắt buộc phải tuân theo chính sách cách ly nghiêm ngặt khi vào nước này.

Người dân Triều Tiên không được phép đi xa khỏi nhà mà không được chính phủ cho phép, ngay cả trong điều kiện bình thường. Những nguồn tin ngoại giao ở thủ đô Bình Nhưỡng nói với CNN vào đầu tháng này rằng, trên phố, người dân đã đeo khẩu trang và thực hiện một số biện pháp giãn cách xã hội. Nhưng như vậy là chưa đủ.

Khi nghe về trường hợp ở Kaesong, Kim phản ứng nhanh chóng, theo KCNA. Ông lập tức yêu cầu phong tỏa thành phố Kaesong và cách ly mỗi quận và khu vực trong thành phố.

Hành động quyết đoán, cứng rắn của Kim Jong-un dường như bắt nguồn từ việc Kim nhận thức được rõ ràng mối đe dọa nghiêm trọng mà virus gây ra đối với người dân, đồng thời rút kinh nghiệm từ những thảm kịch trong quá khứ.

Nạn đói thập niên 1990 là mối nguy lớn nhất mà gia đình Kim từng đối mặt. Chính phủ Triều Tiên cho biết có khoảng 235.000 người chết vì thiếu thực phẩm. Tuy nhiên, các chuyên gia nói số người tử vong thật sự có thể lên đến 3,5 triệu.

Trong thời gian đó, rất nhiều người đào tẩu khỏi đất nước, với các câu chuyện kinh khủng gây sốc cho cả thế giới. Khi người dân chật vật để kiếm thức ăn, hệ thống y tế cũng vật lộn để đối phó. Những người đào tẩu kể câu chuyện như cắt chân tay mà không gây mê hay bác sĩ lén bán thuốc để lấy tiền mua thực phẩm. Một bác sĩ nhi bỏ việc vì bà không thể chịu được việc nhìn vào mắt của những đứa trẻ đang chết đói, theo cuốn sách về những người bỏ trốn khỏi Triều Tiên - Nothing to Envy - của Barbara Demick.

Sự kiện đó có thể nằm lại ở hai thập kỷ trước, nhưng "Tháng 3 gian khổ" - tên gọi được các tuyên truyền viên của Bình Nhưỡng đặt cho - vẫn còn nằm trong ký ức của những người sống sót và là một phần lịch sử của nhiều người Triều Tiên.

Những người Triều Tiên đào tẩu và định cư ở Hàn Quốc thường gặp nhiều vấn đề trong việc ổn định cuộc sống tại đó. Họ thường phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và khó tìm việc làm ở một xã hội tư bản tàn khốc và lạ lẫm với họ. Nhiều người chịu đựng những tổn thương tâm lý có từ trước. Một số người nhớ gia đình. Tất cả điều này có thể dẫn đến tuyệt vọng, trầm cảm và khát vọng được về nhà.

Những người quay lại Triều Tiên đôi khi được sử dụng như một công cụ tuyên truyền để thuyết phục người dân Triều Tiên rằng hệ thống xã hội của họ vượt trội so với Hàn Quốc. Những người đào tẩu và ở lại Hàn Quốc thường được gọi là "cặn bã" hay là kẻ thù của quốc gia. Nếu một người bỏ trốn mang virus về Kaesong, chính quyền Kim có thể tuyên truyền một luận điểm tương tự, rằng chính quyền Kim có thể bảo vệ người dân khỏi virus, nhưng Hàn Quốc thì không.

Theo ione.net