Chính phủ Ấn Độ đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng về việc tiêm ngừa tăng cường trước sự lây lan nhanh của biến thể mới Omicron, làm dấy lên lo ngại về một đợt bùng phát dịch COVID-19 mới, có sức tàn phá không kém gì những đợt dịch trước đó.

Kiểm tra thân nhiệt hành khách đi tàu lửa ở Mumbai, Ấn Độ
Kiểm tra thân nhiệt hành khách đi tàu lửa đến Mumbai, Ấn Độ

 

Đến nay, chính phủ nước này vẫn chưa chính thức phê duyệt việc tiêm ngừa tăng cường, và cho rằng cần phải có nghiên cứu khoa học đầy đủ hơn về tác dụng của việc này trước khi có quyết định.

Trong khi đó, những người giàu Ấn Độ đang tự giải quyết vấn đề bằng cách đi ra nước ngoài, đến những nơi như Dubai, Mỹ và Anh để được tiêm bổ sung vắc xin COVID-19. Việc nới lỏng các hạn chế đi lại tại những nước này trong thời gian gần đây cũng đã giúp giới giàu có Ấn Độ thực hiện việc này dễ dàng hơn.

“Tôi đã tiêm mũi 2 trong thời gian khoảng tháng 3 năm nay, sau khi xét nghiệm máu cho thấy số lượng kháng thể của tôi đã giảm khá mạnh. Vì chính phủ vẫn chưa đưa ra quyết định về việc tiêm ngừa tăng cường, nên tôi không muốn có rủi ro cho sức khỏe, khi đã ở tuổi 60. Cha tôi cũng đã mất vì biến thể Delta vào tháng 5 năm nay”, Giám đốc điều hành của một tập đoàn đa quốc gia có trụ sở ở Bangalore giải thích. Vào tháng 11, ông đã cùng vợ và 3 con của mình đến Dubai để tiêm mũi thứ 3.

Hồi tháng 5, khi làn sóng COVID-19 thứ hai ập đến Ấn Độ, các gia đình giàu có ở nước này cũng đã rời khỏi đất nước trên các máy bay phản lực tư nhân và các chuyến bay thuê để “trốn dịch” ở các nước châu Âu và UAE (Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất), trước tình hình số ca nhiễm trong nước tăng mạnh, trong khi hệ thống y tế rơi vào khủng hoảng.

Theo số liệu của Bộ Y tế Ấn Độ, đến nay, chỉ 49% trong tổng số 1,4 tỷ dân của nước này đã được tiêm 2 mũi vắc xin. Hiện, Ấn Độ vẫn còn 8% nhân viên y tế, 30% số người trên 60 tuổi và hơn 1/3 số người trong độ tuổi từ 45 đến 59 vẫn chưa được tiêm ngừa đầy đủ.

Mô hình virus SARS-CoV-2 tại lễ hội Durga Puja ở Kolkata, miền đông Ấn Độ
Mô hình virus SARS-CoV-2 tại lễ hội Durga Puja ở Kolkata, miền đông Ấn Độ

 

Các nhà khoa học hàng đầu về bộ gen của Ấn Độ đã kêu gọi chính phủ Ấn Độ phê duyệt việc tiêm bổ sung. Trong một bản tin gần đây, Hiệp hội giải trình tự gen SARS-CoV-2 của Ấn Độ (Insacog) - một hệ thống các phòng thí nghiệm quốc gia do chính phủ thành lập để theo dõi các biến thể gen của COVID-19 - cũng đã đề nghị xem xét việc tiêm ngừa tăng cường cho những người từ 40 tuổi trở lên, và những người có nguy cơ bị lây nhiễm cao nhất.

Bộ trưởng của các bang do phe đối lập nắm quyền ở Ấn Độ cũng đã thúc giục chính phủ BJP (Đảng Bharatiya Janata) của ông Narendra Modi suy nghĩ lại lập trường của mình.

Ông Kirit Parekh - một bác sĩ tại Bệnh viện Fortis ở New Delhi - cho rằng hiện cũng không nên quá hoảng sợ trước sự xuất hiện của biến thể Omicron, và vẫn nên cẩn trọng khi phê duyệt mũi tiêm tăng cường cho những người trên 60 tuổi, và thanh niên bị suy giảm miễn dịch hoặc mắc các bệnh nền.

“Thông thường, một người sẽ được tiêm nhắc lại sau khi khả năng miễn dịch từ các liều trước đó bắt đầu suy yếu, thường là sau 8 đến 10 tháng. Mục đích của việc này giúp mọi người duy trì mức độ miễn dịch lâu hơn. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào cho thấy mũi tiêm tăng cường có hại hay giúp cải thiện mức độ bảo vệ. Hiện cũng chưa rõ mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron hoặc nhóm tuổi nào dễ bị nhiễm biến thể này nhất”, ông Parekh cho biết.

Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo những người có hệ thống miễn dịch bị tổn hại nên tiêm vắc xin tăng cường. Hơn 36 quốc gia hiện đang triển khai việc này, trong đó có Israel, Anh, Mỹ, Áo, Bỉ, Cộng hòa Séc, Pháp, Đức, New Zealand, Hungary, Lithuania, Luxembourg, Thụy Điển, Trung Quốc, Đan Mạch, Phần Lan, Indonesia, Ý và Chile.

Theo vnexpress