"Mỗi thứ sáu, tôi chơi từ sáng sớm đến khoảng 16 chiều. Những hôm khác thì chơi từ 20h đến 3h sáng", chàng trai 20 tuổi vừa nói vừa nhoẻn miệng cười.

Safiullah Sharifi chơi PUBG ở khu phố Qala-e Fatullah, Kabul. Ảnh: Jim Huylebroek/The New York Times.

Trò chơi Sharifi say mê có tên PlayerUnknown Battlegrounds, còn gọi tắt là PUBG. Dù nội dung bạo lực, nó vẫn phổ biến ở Afghanistan như một cách thoát khỏi cuộc chiến tranh đã kéo dài 19 năm.

Trong game, người chơi được thả xuống một vùng đất rộng lớn, phải tìm vũ khí và giết những người chơi khác. Kẻ chiến thắng là người hoặc đội cuối cùng còn sống sót. PUBG gần như mô tả chính xác tình trạng của Afghanistan, bất chấp đàm phán hòa bình đang diễn ra.

Từ năm 2001, các trung tâm trò chơi điện tử bắt đầu xuất hiện ở Kabul. Tuy nhiên, PUGB và các trò chơi trên điện thoại đang dần "lên ngôi" bởi chúng miễn phí, nhất là khi 90% dân số Afghanistan sống dưới mức nghèo khổ.

Abdul Habib 27 tuổi điều hành một tiệm game trong trung tâm thương mại phía tây Kabul. Cửa tiệm chỉ to bằng tủ quần áo, có tivi, ghế bành và máy Playstations, phần lớn các trò chơi liên quan đến bóng đá.

Ngoài cơ sở của Habib, trung tâm thương mại còn có những tiệm game khác, được trang trí bằng đèn neon nhiều màu sắc. Những thanh niên chạy đi chạy lại tìm chỗ ngồi và bảng điều khiển. Gần đó, một quầy đồ ăn nhanh bán bánh mì kẹp xúc xích.

"Nếu không thể chiến đấu ngoài đời thực, bạn có thể làm điều đó trong thế giới ảo", Habib nói về các trò chơi điện tử bạo lực, bao gồm cả PUBG.

Tiệm game bên dưới một trung tâm mua sắm ở Kabul. Ảnh: Jim Huylebroek/The New York Times.

Habid thuê địa điểm làm tiệm game trong bốn năm, mỗi ngày đón khoảng 100 khách từ trẻ em, thiếu niên đến các bậc phụ huynh. Phí chơi một giờ là 65 cents.

Do đại dịch Covid-19, việc kinh doanh của Habid cũng như hàng chục tiệm game khác ở Kabul bị ảnh hưởng nặng nề trong hai tháng. Sự nổi tiếng của PUBG cũng khiến họ lao đao.

Abdullah Popalzai 20 tuổi có tiệm game ngay đối diện nhà Sharifi. Đó là một cửa hàng nhỏ với cửa cuốn, bốn tivi, bốn máy Playstations và một bàn bi lắc cũ kỹ. "Tôi từng kiếm được 800 afs mỗi ngày, tương đương 10 USD", Popalzai chia sẻ. "Giờ đây, tôi gần như không có tiền mua bánh mì và thực phẩm cho gia đình".

Mohammad Ali coi game như một lối thoát. Đứng ngoài tiệm game của Habib, chàng trai 23 chỉ vào tai nghe đeo trên cổ, khoe rằng mua nó để "chìm vào trò chơi với bạn bè".

"Tôi bận rộn với trò chơi đến mức quên đi thế giới", anh nói. "Nó khiến tôi không quan tâm đến thành phố, những vụ tấn công, cướp bóc và tội ác".

Mohammad Ali coi PUBG là lối thoát khỏi cuộc sống thực tại. Ảnh: Jim Huylebroek/The New York Times.

Trang web PlayerCounter ước tính từ năm 2017 đến nay, thế giới có khoảng 400 triệu người chơi PUBG. Tuy nhiên, khó ước tính dân Afghanistan chiếm bao nhiêu phần trăm số này.

Lo ngại PUBG thúc đẩy bạo lực và khiến giới trẻ mất tập trung học hành, giới chức dự định cấm game này. Năm ngoái, trò chơi cũng bị cấm ở Iraq vì các lý do tương tự.

"Nó có thể gây hại cho sức khỏe tâm thần của trẻ em", Freshta Karim, nhà hoạt động giáo dục kiêm giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Charmaghz nhận định. Theo ông, PUBG khiến trẻ em lầm tưởng bạo lực là bình thường, từ đó trở nên hung dữ hơn.

Tuy nhiên, dù game bị cấm, người chơi vẫn có cách "luồn lách". Nghe tới dự luật của chính phủ, Sharifi bật cười, bởi cậu biết rằng mình có thể lén chơi qua phần mềm trên điện thoại. Chưa kể, không chỉ là phương tiện giúp quên đi thực tại, game còn giúp Sharifi giao tiếp với bạn bè, thỉnh thoảng trò chuyện với các nữ game thủ khác.

"Nếu họ không muốn người dân bạo lực thì hãy chấm dứt chiến tranh", Habid nói.

Theo vnexpress