leftcenterrightdel
 

Những ngày gần đây, mạng xã hội lan truyền nhiều video về những cô gái mặc "áo tàu điện ngầm" - áo sơ mi rộng thùng thình hoặc áo khoác mùa đông, che đi bộ trang phục bên trong - để tránh khỏi ánh nhìn soi mói hay hành vi quấy rối trên các phương tiện giao thông công cộng.

Theo Sophie Gallagher, cây viết của iNews, "áo tàu điện ngầm" (subway shirts) không đơn thuần là một phụ kiện vui nhộn theo trend, mà nó là lời nhắc nhở nghiệt ngã dành cho phái đẹp.

Vấn nạn quấy rối

Theo một nghiên cứu của YouGov vào năm 2020, hơn một nửa phụ nữ Vương quốc Anh (55%) từng là nạn nhân của hành vi quấy rối tình dục không mong muốn trên phương tiện giao thông công cộng, trong đó phổ biến nhất là bị người lạ cố tình ép sát người.

Các báo cáo cho thấy điều này trở nên tồi tệ hơn kể từ khi xảy ra đại dịch.

leftcenterrightdel
 Các cô gái mặc áo sơ mi hoặc áo khoác rộng để che cơ thể khi đi tàu điện ngầm. 

Gallagher cho rằng rõ ràng quần áo không thúc đẩy hoặc biện minh cho hành vi hiếp dâm. Phụ nữ ăn mặc hở hang cũng không bao giờ đồng nghĩa với lời mời gọi, và áo khoác mùa đông không là một chiếc giáp bảo vệ.

Phụ nữ bị tấn công tình dục vì sức mạnh của nam giới, quyền của nam giới và mong muốn kiểm soát. Nhưng xã hội thường không nhìn nhận theo cách đó, khi nhiều người vẫn khăng khăng đặt trách nhiệm lên vai phụ nữ, buộc họ tự tìm cách bảo vệ mình.

Một cô gái sẽ biết tại sao có những phụ nữ thường kẹp chìa khóa vào giữa các ngón tay khi đi bộ một mình, hoặc tại sao họ đi bộ giữa lòng đường vắng vẻ thay vì đi trên vỉa hè sát hàng rào để tránh bị tấn công.

Theo iNews, các thông điệp về trách nhiệm cá nhân đối với phụ nữ liên tục được củng cố bởi xã hội, đàn ông, hệ thống luật pháp và nền văn hóa.

Điều này đặc biệt đúng khi nói đến quần áo mà phụ nữ chọn mặc.

Trong một cuộc khảo sát năm 2019 được thực hiện cho The Independent, 55% nam giới vẫn tin rằng phụ nữ ăn mặc càng hở hang thì càng "có khả năng cô ấy sẽ bị quấy rối hoặc hành hung".

Phụ nữ bị đổ lỗi vì cách ăn mặc

Nhiều lần, trang phục được những kẻ tấn công dùng như "kim bài" nhằm thoát tội, còn nạn nhân bị đổ lỗi bởi quần áo họ mặc.

Vào tháng 3/2008, người đàn ông 24 tuổi ở Perth, Scotland bị đưa ra xét xử với cáo buộc tấn công tình dục một cô gái 15 tuổi.

Trước tòa, luật sư của anh ta nói: "Tôi không nghĩ công bằng khi nói cô gái là một người rất dễ bị tổn thương. Người khiếu nại (cô gái) mặc quần đùi, đi ủng đen và áo sơ mi trắng. Cô ấy đang cố gắng ăn diện già hơn tuổi thật. Cô ấy cư xử như thể mình đã hơn 16 tuổi".

leftcenterrightdel
 "Subway shirts" trở thành từ khóa phổ biến trên mạng xã hội những ngày qua. 

Gần đây hơn, vào năm 2018, một luật sư ở Cork, Ireland - được giao nhiệm vụ bào chữa cho một người đàn ông bị buộc tội hiếp dâm - đã nói về nạn nhân 17 tuổi: "Mọi người phải nhìn cách cô ấy ăn mặc. Cô ấy mặc một chiếc quần lọt khe có ren phía trước".

Bị cáo cuối cùng được nhất trí trắng án sau các cuộc thảo luận kéo dài 90 phút của bồi thẩm đoàn.

Cùng năm đó, tại một phiên tòa xét xử cao cấp ở Belfast của các cầu thủ bóng bầu dục Ireland, chiếc quần lót đẫm máu của nạn nhân được chuyền khắp phòng xử án. Bị cáo cũng được trả tự do nhưng đã có nhiều cuộc biểu tình lan rộng mang khẩu hiệu #ThisIsNotConsent (tạm dịch: Đó không phải là đồng thuận).

Vụ án trên lặp lại kết quả kinh hoàng của một phiên tòa năm 2001 ở Ayrshire, Scotland, khi nạn nhân Lindsay Armstrong (cô ấy 16 tuổi vào thời điểm xảy ra vụ tấn công), được yêu cầu cầm chiếc quần lót đã mặc khi bị cưỡng hiếp.

Mặc dù kẻ cưỡng hiếp cô bị kết tội nhưng Lindsay đã tự sát 3 tuần sau đó.

Năm 1999, Tòa án Tối cao Italy phán quyết rằng một phụ nữ mặc quần jean không thể bị cưỡng hiếp: một giáo viên dạy lái xe đã được hủy bỏ bản án vì tòa án đồng tình rằng học sinh 18 tuổi của anh ta phải đồng ý quan hệ tình dục, vì anh ta không thể một mình cởi quần jean của cô ấy.

Một thập kỷ sau, vào năm 2010, một người đàn ông ở Australia cũng được tha bổng vì tội hiếp dâm với cùng lý do, rằng người phụ nữ sẽ cần giúp anh ta cởi chiếc quần jean bó sát của cô.

Như vậy, phụ nữ dường như luôn bị đổ lỗi dù họ mặc gì: mặc váy ngắn có nghĩa cô ấy mời gọi, nhưng mặc quần jean cũng có nghĩa cô ấy không thể bị hiếp dâm nếu không đồng ý.

Trong mối ràng buộc sai lầm, phụ nữ đã chọn mặc chiếc áo khoác rộng thùng thình khi đi tàu điện ngầm, biết rằng xã hội mong đợi họ "thực hiện trách nhiệm cá nhân” đối với thứ hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của họ.

Theo zingnews