Theo Japan Today, vấn đề "quyền ngắt kết nối" đang được các nhà lập pháp và lao động Nhật Bản quan tâm khi xu hướng làm việc từ xa giữa Covid-19 trở nên phổ biến.

Cụ thể, nhiều công dân xứ hoa anh đào cảm thấy áp lực, thiếu không gian riêng tư do cấp trên buộc họ phải tiếp nhận cuộc gọi, email ngay cả sau giờ làm và vào ngày nghỉ.

ngat ket noi sau gio lam o nhat anh 1

Vốn có văn hóa làm việc căng thẳng, lao động Nhật Bản nay phải túc trực điện thoại, email thường xuyên ngay cả ngoài giờ làm. Ảnh:Newsweek.

Kể từ khi tình trạng khẩn cấp vì Covid-19 được tuyên bố vào tháng 1/2021, một viên chức chính phủ ở độ tuổi 30 chuyển sang làm việc từ xa phần lớn thời gian trong tuần.

Dù không phải mất một tiếng di chuyển tới Kasumigaseki (Tokyo) - khu vực tập trung các văn phòng Nội các Nhật Bản, anh cho biết mình phải nhận điện thoại công việc bất cứ lúc nào.

Trả lời Japan Today, nam viên chức thừa nhận thời gian làm việc tại nhà thường kéo dài hơn ngày làm việc thông thường.

"Trước kia, tôi không cần tiếp nhận bất cứ cuộc điện thoại liên quan tới công việc nào sau khi tan sở, trừ trường hợp khẩn cấp. Song dạo gần đây, tôi không thể nghỉ ngơi nổi vì phải bắt máy mọi lúc, ngay cả khi đang ăn".

Các lao động trong lĩnh vực tư nhân cũng phàn nàn về số lượng cuộc gọi gia tăng đột biến. Vài người chia sẻ họ được sếp yêu cầu giữ kết nối điện thoại, máy tính với công ty khi công tác tại nhà, kể cả ngoài giờ làm.

"Thú thực, tôi mệt mỏi vì nghe quá nhiều cuộc gọi. Nhiều quản lý không tuân thủ quy định về giờ làm việc chút nào!", nhân viên một hãng sản xuất phụ tùng ôtô nói.

ngat ket noi sau gio lam o nhat anh 2

Việc luôn phải sẵn sàng nhận cuộc gọi, email từ cấp trên khiến nhiều lao động Nhật cảm thấy thiếu riêng tư, áp lực. Ảnh:Getty.

Khảo sát từ văn phòng thành phố Kobe về "quyền ngắt kết nối" năm 2020 chỉ ra 14,9% lao động tiếp nhận cuộc gọi, email không khẩn cấp từ sếp sau giờ làm ít nhất một lần mỗi tuần.

Ngoài ra, 13,5% người tham gia phải giữ liên lạc với đồng nghiệp qua điện thoại và các phương thức khác.

Ở một số nước châu Âu, "quyền ngắt kết nối" là một điều luật được áp dụng tại các doanh nghiệp, công ty.

Kể từ năm 2017, lao động ở Pháp làm việc tại các công ty từ 50 nhân viên trở lên được quyền dừng nhận email công việc sau giờ làm. Một luật tương tự cũng được thông qua ở Italy.

Tuy nhiên, hiệu lực của điều luật này còn khá mơ hồ do chưa bao gồm hình phạt cho lỗi vi phạm và không hạn chế giao tiếp ngoài giờ. Thực tế, các công ty vẫn có quyền thương lượng điều khoản, quy định với nhân viên.

Cuối năm ngoái, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản nhấn mạnh các công ty, doanh nghiệp cần đề ra quy định làm việc từ xa cho nhân viên.

Dự kiến trong tương lai, các biện pháp cụ thể hơn sẽ được ban hành nhằm ngăn chặn tình trạng làm việc quá sức, gây áp lực cho lao động.

Ngày 3/2, tại hội nghị trực tuyến do Hiệp hội Luật sư Lao động Nhật Bản, Phó tổng thư ký Kazuya Takemura bày tỏ ý kiến: "Có nhiều công ty không tôn trọng quyền riêng tư của người lao động. Chính phủ cần xem xét đưa vấn đề 'ngắt kết nối' trở thành điều luật".

Trước đó, một số doanh nghiệp Nhật Bản đã thực hiện quy định cấm cấp trên liên lạc với nhân viên ngoài giờ làm việc, trừ trường hợp cấp bách.

Ví dụ, công ty nhân sự Pasona Group yêu cầu hệ thống tự động ngắt kết nối lúc 20h30 hàng ngày, bao gồm cả các máy tính làm việc từ xa.

Theo  Zing