leftcenterrightdel
 Cô Nguyễn Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng trường song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du.

Mỗi dân tộc trên thế giới đều có niềm tự hào sâu sắc riêng về những giá trị văn hóa, tinh thần của đất nước mình. Một trong những giá trị tinh thần hàng đầu mà hầu hết cộng đồng, dân tộc nào cũng có, đó chính là ngôn ngữ.

Cộng đồng người Việt Nam tại Lào có khoảng 100.000 người, việc duy trì tiếng Việt cho các con em kiều bào, nhất là thế hệ thứ ba, thứ tư là thực sự cần thiết, bởi tiếng Việt luôn là cội nguồn của văn hóa nghìn năm văn hiến, lịch sử lâu đời và truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam.

Trong những năm gần đây, nhiều thiếu niên, nhi đồng người Việt ở Lào là lớp thế hệ thứ 3, thứ 4 ngày càng có niềm đam mê yêu thích học tiếng Việt. Có nhiều em học tiếng Việt đơn thuần chỉ để biết thêm một thứ tiếng, nhưng có những em học tiếng Việt với mong muốn trở về quê hương học tập, làm việc hay học để tìm hiểu về văn hóa, lịch sử gốc gác dòng máu Lạc Hồng của mình…Nhưng tất cả các em đều có chung một tình yêu thiêng liêng dành cho Tổ Quốc.

Bằng chất giọng chưa sõi và ngôn từ còn đơn giản, em Xaynhalat, 15 tuổi, lại rất hào hứng, hồ hởi khi chia sẻ về niềm đam mê cũng như khó khăn của bản thân khi bắt đầu học tiếng Việt cho đến đọc hiểu viết đúng. Em Xaynhalat cho biết, bản thân mang hai dòng máu Việt - Lào, mỗi lần được về thăm quê nội, ông bà luôn mong muốn và hy vọng các con, các cháu nói được tiếng Việt để giao tiếp với những người thân trong gia đình và gìn giữ những nét đẹp văn hóa của con người Việt Nam.

Xaynhalat chia sẻ: "Bắt đầu từ 2 năm trước em cảm thấy mình muốn tìm hiểu về văn hóa, về quê hương Việt Nam, sau đó em đã quyết định học tiếng Việt. Mặc dù được nghe ông bà kể rất nhiều câu chuyện về lịch sử Việt Nam nhưng không phải thực sự là hiểu hết và khi biết tiếng Việt đã giúp em hiểu thêm về lịch sử đất nước. Ngoài ra, còn có thể giao lưu với bạn bè, sinh viên người Việt Nam tại các nước trên thế giới".

Trái với Xaynhalat, em Thatsany Phomasy, 17 tuổi cũng sinh ra và lớn lên ở Lào nhưng lại có xuất phát điểm dễ dàng hơn khi được bố mẹ dạy tiếng Việt từ nhỏ. Thatsany kể: "Bố mẹ luôn dạy phải nhớ về cội nguồn, dù sinh sống ở đâu thì quê hương đất nước luôn ở trong trái tim và mong muốn các con sẽ là thế hệ tiếp nối duy trì tiếng Việt ở đất nước Triệu Voi".

Em học tiếng Việt từ năm 6 tuổi. Ngoài thời gian học ở trường thì khi về nhà em còn được bố mẹ dạy thêm và giao tiếp bằng tiếng Việt. Học tiếng Việt là để biết thêm một thứ tiếng, thứ hai là em muốn tìm hiểu về văn hóa Việt Nam và khi về quê được nói chuyện với họ hàng, điều đó làm cho em gắn bó và muốn học tiếng Việt nhiều hơn.

leftcenterrightdel
 Em Thatsany Phomasy cho biết, từ nhỏ em đã được bố mẹ dạy tiếng Việt. 

Mỗi quốc gia có một nền văn hóa riêng thì ngôn ngữ cũng có những nét riêng biệt của nó. Vì vậy, vốn từ vựng, cấu trúc câu từ hay âm tiết đó là những khó khăn mà bất kỳ người học tiếng Việt nào cũng gặp phải.

Tuy nhiên, với tình yêu dành cho tiếng Việt, các bạn trẻ người Việt ở Lào đã chịu khó, siêng năng luyện tiếng Việt để từ đó đúc rút ra những phương pháp học có hiệu quả và thiết thực nhất. Ngoài tập trung, cần mẫn học tiếng Việt ở trường, giao tiếp với người thân trong gia đình thì phương pháp đọc sách hay xem những clip trên mạng xã hội để tập nghe, đọc, nói cũng là một trong những phương pháp giúp các em học tiếng Việt.

Em Somsanith, 18 tuổi, học sinh Trường song ngữ Lào – Việt Nam Nguyễn Du chia sẻ: "Trong cuộc sống hàng ngày mọi người nói tiếng Lào nên em ít khi được giao tiếp bằng tiếng Việt, và chỉ khi về nhà nói chuyện với mọi người trong gia đình mới sử dụng tiếng Việt".

Em thường học tiếng Việt qua đọc sách báo, điều gì không hiểu thì hỏi bố, hỏi thầy cô và các bạn người Việt nên tiếng Việt của em đã có nhiều tiếng bộ. Ngoài đọc sách báo, em còn xem tivi, xem các chương trình truyền hình. Em học tiếng Việt để mỗi lần về quê hương có thể nói chuyện thật lưu loát với ông bà và họ hàng.

leftcenterrightdel
Ngoài thời gian đọc sách báo, em Somsanith còn xem các chương trình truyền hình để nâng cao trình độ tiếng Việt. 

Khác với nhiều quốc gia trên thế giới, tại Lào việc giảng dạy tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam luôn được đặc biệt chú trọng. Trường song ngữ Lào – Việt Nam Nguyễn Du tại Thủ đô Vientiane là ngôi trường đưa bộ môn tiếng Việt vào giảng dạy ở các cấp học và đây chính là nơi học tập, rèn luyện của biết bao thế hệ học sinh là con em kiều bào đang sinh sống và làm việc tại Lào.

Cô Nguyễn Thị Thanh Hương, Hiệu trường nhà trường cho biết, do đặc thù dạy tiếng Việt cho các em từ khi còn rất nhỏ nên giáo trình tại nhà trường được áp dụng rất linh hoạt để truyền thụ những kiến thức về văn hóa, lịch sử của Việt Nam, nhằm làm sâu sắc thêm tình cảm hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam và Lào; giúp cho con cháu Việt kiều và học sinh Lào thêm hiểu và yêu đất nước con người Việt Nam. Ngoài ra, đội ngũ các thầy cô giáo cũng nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc giữ gìn tiếng Việt và luôn mang trong mình tâm huyết, nỗ lực duy trì tiếng nói dân tộc.

leftcenterrightdel
Trường song ngữ Lào – Việt Nam Nguyễn Du là nơi học tập, rèn luyện của nhiều thế hệ học sinh là con em kiều bào đang sinh sống và làm việc tại Lào. 

Các thầy cô không chỉ đơn thuần là dạy về văn hóa mà nhiệm vụ của các thầy cô còn cao cả hơn là hướng các em về quê hương, về cội nguồn để các em hiểu sâu sắc hơn về văn hóa đất nước và con người Việt Nam. Chúng tôi mong muốn tất cả các em học sinh trường Nguyễn Du sẽ nói được tiếng Việt như một ngôn ngữ phổ thông.

Tiếng Việt có vai trò rất quan trọng đối với người Việt Nam ở nước ngoài, nếu không duy trì được tiếng Việt sẽ không duy trì được bản sắc, văn hóa dân tộc Việt ở nước ngoài, nhất là đối với các thế hệ thứ ba, thứ tư hiện nay. Việc giữ gìn tiếng Việt trong kiều bào luôn là mục tiêu hàng đầu được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Chính vì vậy, tiếng Việt là bộ phận không thể tách rời trong văn hóa của đất nước với phương trâm “tiếng Việt còn thì người Việt còn”./.

Theo vov