leftcenterrightdel
Bé Nam San đọc truyện cho bà ngoại (trên màn hình điện thoại) và bà nội (trên màn hình iPad) nghe 

Chị Ngọc Hà (sinh năm 1980, hiện sinh sống tại thành phố Chemnitz, CHLB Đức). Năm 2008, chị sang Đức theo học bổng DAAD, sau khi hoàn thành luận văn tiến sĩ, chị Hà ở lại làm việc tại trường theo các dự án nghiên cứu đến nay. Hiện tại, chị đang là mẹ của 2 em bé: Nam San (sinh năm 2015) và An Sa (sinh năm 2022).

leftcenterrightdel
Nam San và An Sa tại một bảo tàng của thành phố Chemnitz 

Hành trình nuôi con ở nước ngoài không dễ dàng, nhất là trong việc nuôi dưỡng tình yêu tiếng Việt và văn hóa Việt cho các con. Chị Hà có khoảng thời gian lần dò từng bước, học hỏi miệt mài từ những bố mẹ sống ở nước ngoài đã thành công trong việc duy trì tiếng Việt trong gia đình. Bản thân bà mẹ 2 con luôn quyết tâm để duy trì tiếng mẹ đẻ cho con.

Chia sẻ về phương pháp giữ gìn tiếng Việt cho con, chị tâm sự: "Mình cũng như bao bà mẹ khác, mỗi khi cho con về Việt Nam chơi, mọi người đều khen con dùng tiếng Việt như con được sinh ra ở Việt Nam, nhìn con hòa đồng vui vẻ với tất cả anh chị em, ông bà, mình hạnh phúc và tự hào lắm.

Mình trước đây không tham gia chia sẻ gì trong bất kỳ hội nhóm nào, vì nghĩ mỗi nhà một hoàn cảnh, mỗi em bé là một cá thể, sẽ khó có thể áp dụng cách của mình thành công cho mọi người. Tuy nhiên khi có bé An Sa, mình lại sẽ bắt đầu một hành trình với một cá thể mới với kinh nghiệm từ trước. Mình bắt đầu chia sẻ với hy vọng mình cũng như nhiều bà mẹ khác ở nước ngoài sẽ lại thành công trong việc giữ gìn tiếng Việt cho con với phương pháp mình đã làm với con trai Nam San".

Hành trình xây dựng nền tảng tiếng Việt cho con

Từ 0 đến 2 tuổi

Thời gian này, mình giao tiếp với con 100% bằng tiếng Việt. Không TV, không iPad, chỉ nói chuyện và đọc sách thôi. Thực ra thỉnh thoảng mình cho con xem hát hò trên TV, nhưng đó không phải là công cụ dạy con ở độ tuổi này của mình nên mình không dùng, chứ mình không bài trừ. Vì sau này, bằng việc sử dụng các app, việc chinh phục ngôn ngữ của con thú vị hơn nhiều theo kinh nghiệm của mình.

Độ tuổi này thì mình giao tiếp với con theo cách sau:

Lặp đi lặp lại hàng ngày những từ đơn để con quen. Mỗi khi chỉ con vật, đồ vật gì, mình đều lặp lại vài lần. Ra đường chỉ cái gì cho con xem mình cũng dùng từ đơn giản và lặp lại vài lần cho con. Hát hò, đọc thơ, đọc sách cho con nghe bằng tiếng Việt. Mình hát những bài thiếu nhi cực ngắn gọn, ngộ nghĩnh, nhiều khi tự bịa ra kiểu như: "con vịt kêu quạc quạc, con mèo kêu meo meo"; Đang tắm thì: "nước chảy róc rách. Vịt bơi kêu quạc quạc". Ăn thì: "cơm ngon ngon, bí xanh xanh"... Vừa hát vừa chỉ hình ảnh, hoặc đồ chơi. Nói chung ngắn gọn và dễ hiểu bằng âm thanh, hình ảnh.

17 tháng, con mình đi lớp, cô nói tiếng Đức, con nói tiếng Việt. Mình ban đầu cũng lo lắng con có sợ hãi khi không hiểu gì hết không. Nhưng trẻ con học nhanh lắm. Con mình vẫn hiểu cô, dù trả lời cô bằng tiếng Việt. Mắc cười vì thời gian đó cô giáo của con lại biết thêm vài từ tiếng Việt, ví dụ: "lau mũi" khi anh ta yêu cầu cô giúp lau mũi... Mình kiên quyết không bao giờ trộn lẫn 2 thứ tiếng với nhau, cũng như không nói tiếng Đức với con ở nhà để cho con phản xạ theo thói quen: ở nhà với ba mẹ dùng tiếng Việt, ra ngoài, ở trường nói tiếng Đức. Đến giờ vẫn vậy, dù con nói được nhiều ngôn ngữ hơn (con hiện nói được 8 ngôn ngữ) nhưng không bao giờ nhầm hay trộn lẫn ngôn ngữ.

Giai đoạn 2-3 tuổi: Giai đoạn "bùng nổ" ngôn ngữ của con

Con mình khoảng từ 14 tháng là biết nói theo kiểu: "con cá, cái cốc, xe hơi, con ăn...". Mình biết điều này là do khả năng của từng trẻ, nhiều bạn chưa nói, nhiều bạn còn nói nhiều hơn. Nhưng như thế mình cũng mừng lắm và cứ tự động viên là mình đang đi đúng hướng, cứ coi như có động lực đi tiếp.

Trước đó đọc sách cho con, mình chọn sách hình ảnh to, đơn giản. Chữ có hay không không quan trọng vì mình toàn nhìn hình bịa chuyện kể. Mục đích bịa chuyện để nhắc lại những từ mình hay dùng trong ngày cho con.

Sau 2 tuổi, mình bắt đầu chú ý đến tìm sách có chữ để đọc cho con. Mình muốn sách cực ít chữ và chữ phải to. Tuy nhiên rất tiếc là dù về Việt Nam tìm kiếm nhiều nhưng mình không hài lòng lắm, nên mình quyết định tự làm sách cho con. Nghe oai thế nhưng mình là người lười và cũng đi làm full-time, nên mình luôn chọn cách đơn giản nhất như sau:

Sách mô tả hoạt động hàng ngày của con theo chủ đề. Ví dụ như chủ đề "Giờ ăn của con". Sách thường có khoảng 5 trang. Mình lấy hình mình tự chụp con, ghi thêm vài chữ là xong. Kiểu như: "Con đeo yếm (hình nó mặc yếm). Con ngồi vào ghế ăn (hình nó ngồi ghế). Con cầm muỗng...". Có những hình ảnh quen thuộc nên bạn ấy thích sách đó lắm.

leftcenterrightdel
Một trong những cuốn sách chị Hà tự làm cho con 

Từ khi con hơn 2 tuổi, mình bắt đầu vừa đọc vừa đưa ngón tay theo từng chữ mình đọc cho con nhìn. Trẻ con có khả năng nhớ bằng cách chụp hình ảnh rất siêu. Mình lúc này làm sách một mặt bằng hình ảnh, mặt sau viết chữ. Như vậy con sẽ không bị phân tán hình ảnh. Nội dung và cách làm sách thì cũng y như trước kia, chỉ là in 2 mặt chữ và hình khác nhau thôi. Khi con nhớ kha khá mặt chữ, mình bắt đầu bày ra những trò chơi để con nhận diện chữ cái. Ví dụ nhảy theo chữ cái (mình dán bàn chân có in chữ cái, con nhảy theo bàn chân), câu cá (con cá có chữ cái để câu).

Ngoài ra làm flashcard cũng hay. Nhưng cách gì thì các bạn cũng phải rất kiên nhẫn, và chơi hàng ngày để giúp con nhớ dần dần. Mình nhớ tầm khoảng 1 tháng là con nhớ hết 24 chữ cái. Ngoài ra, dĩ nhiên con cũng học thuộc khá nhiều thơ, hát được nhiều bài. Tầm 22-25 tháng, con đã hát Quốc ca Việt Nam. Ngoài việc tự làm sách, mình cũng tìm được khá nhiều hình ảnh và bài thơ với hình ảnh đọc cho con nghe.

Sau 2 tuổi, con nói sõi, hát nhiều, mình đi đến lúc cam go nhất là dạy bạn ấy đánh vần. Mất hết nửa năm cho đánh vần đấy. Ban đầu những âm đơn như: cá, lá, mẹ, ba… thì bạn ấy thuộc nhanh, rồi đến như hoa, mèo,... rồi đến vần phức tạp như: yêu, uống,... ôi nó cam go, bày đủ trò chơi như làm xúc xắc đọc chữ, câu cá,... Mình bắt đầu làm sách theo vần cho con. Ví dụ tuần đó học được vần gì thì sách sẽ làm có vần đó xuất hiện khá thường xuyên.

leftcenterrightdel
Chơi xúc xắc đánh vần 

Lúc này, mình bắt đầu dùng app hỗ trợ cho việc học đọc và đánh vần cho con. App mình dùng là Monkey Junior, được chia theo cấp độ: Dễ (từ đơn), Trung bình (câu đơn, ngắn), Khó (câu dài). App xây dựng theo kiểu lồng ghép các trò chơi. Chữ viết thật to, hình ảnh miêu tả sinh động, và đặc biệt có cả phần đánh vần nữa. Đó là app đầu tiên con mình được dùng. Mình cũng giới thiệu cho vài cặp vợ chồng Đức - Việt để học tiếng Việt, mọi người đều thích.

Tóm gọn phương pháp

Đọc chữ nào sẽ di tay theo chữ đó cho con nhìn. Chữ nên tách ra khỏi hình để con không bị phân tâm bởi hình ảnh. Mỗi ngày nên dành ít nhất 15-30 phút chơi/học với con, nếu con thích thì cứ chơi đến khi nào con chán thôi, không giới hạn thời gian. Vẫn duy trì hát hò, đọc thơ cho con thuộc lòng, sẽ giúp con học nhận mặt chữ nhanh hơn. Nói chuyện nếu gặp đúng vần con học trong thời gian đó thì đánh vần cho con nghe.

Đặc biệt: Hàng ngày, kiên nhẫn, kiên trì, không quạu!

Sau 3 tuổi: Giai đoạn duy trì và phát triển ngôn ngữ

Sau khi con đã đánh vần và bắt đầu đọc được, mình tìm các sách thiếu nhi cho con đọc. Sách yêu cầu phải có nhiều hình, số lượng chữ vừa phải và cỡ chữ phải to. Mỗi ngày con tự chọn sách để đọc với ba mẹ. Cuối tuần con đọc sách cho bà nội, bà ngoại ở nhà qua máy tính. Đọc sách cho ông bà ở Việt Nam nghe hàng tuần là hoạt động mình rất khuyến khích vì bên cạnh rèn luyện tiếng Việt, con còn có kết nối chặt chẽ với gia đình ở Việt Nam.

Mình bắt đầu mua rất nhiều sách tiếng Việt cho con đọc, bắt đầu cho con xem các kênh có chương trình tiếng Việt trên TV. Tầm 5 tuổi, con đã có thể tự viết được. Lúc biết sắp có thêm em gái, con đã tự viết ra các câu chuyện con tưởng tượng hàng ngày với em, tự dán thành sách để tặng em.

leftcenterrightdel
“Cuốn sách” 800 trang bé Nam San tự làm tặng em khi biết tin mình sắp có em gái, lúc đó con 5 tuổi. 

Thời điểm này con đã có thể hát ru em, đọc các câu truyện cổ tích tiếng Việt ở sách giáo khoa. Mình và con viết thư cho nhau hàng ngày bằng tiếng Việt để con không quên chữ viết tiếng Việt.

leftcenterrightdel
Nam San hát ru em An Sa 
leftcenterrightdel
Hộp thư trước cửa phòng con và những bức thư con viết gửi mẹ. 

Ảnh: NVCC

San San