Gìn giữ tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
Tiếng Việt là phương tiện lưu giữ, lan tỏa, giúp đồng bào ta bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc.

Theo số liệu của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), hiện có hơn 5,3 triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong quá trình sinh sống và làm việc ở nước ngoài, tiếng Việt là phương tiện lưu giữ, lan tỏa, trao truyền văn hóa, giúp kiều bào ta bảo tồn được bản sắc văn hóa riêng. Tiếng Việt cũng là cầu nối đồng bào Việt Nam trên toàn thế giới với Tổ quốc.

Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030” được triển khai đồng thời với Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 theo Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 30/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Các hoạt động hướng tới Ngày Tôn vinh tiếng Việt sẽ được triển khai trong cả năm và có thể tổ chức lồng ghép vào các dịp lễ hội, kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của đất nước.

Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta xác định tiếp tục tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Cụ thể hóa chủ trương đó, trong Kết luận 12/KL-TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 169/NQ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về công tác Người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, việc nghiên cứu lựa chọn Ngày Tôn vinh tiếng Việt hằng năm để khuyến khích, cổ vũ đồng bào, nhất là thế hệ trẻ, học tập và giữ gìn tiếng Việt được nêu thành nhiệm vụ cụ thể.

Ngày 3/8/2022, Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 930/QĐ-TTg. Theo đó, từ năm 2022, ngày 8/9 hằng năm được lựa chọn là Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

 

Chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho biết, việc ban hành Đề án thể hiện tình cảm và trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo cho kiều bào ta. Đây cũng là dấu mốc quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần người Việt Nam ở nước ngoài, qua đó nâng cao nhận thức của kiều bào đối với tiếng Việt, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng, góp phần xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ổn định, đoàn kết, vững mạnh và hướng về quê hương, đất nước.

Về lý do chọn ngày 8/9 hằng nằm làm Ngày Tôn vinh tiếng Việt, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cho hay, đây là ngày hội tụ nhiều ý nghĩa gắn liền với lịch sử dân tộc cũng như trên thế giới. Ngày 8/9/1945 là ngày Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát động phong trào “Bình dân học vụ”, đồng thời là ngày thành lập Nha Bình dân học vụ thuộc Bộ Giáo dục Quốc gia. Năm 1965, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) cũng đã chọn ngày 8/9 làm Ngày Quốc tế xóa nạn mù chữ và kỷ niệm hằng năm nhằm nâng cao tầm quan trọng của việc biết đọc, biết viết đối với sự phát triển của mỗi cá nhân và cộng đồng xã hội.

Gìn giữ tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
Với truyền thống đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, cộng đồng người Việt Nam tại Lào đã có nhiều hình thức hỗ trợ lẫn nhau để từng bước vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra (Nguồn; TTXVN)

Ngày 2/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 1135/TTg-HTQT về Kế hoạch Ngày tôn vinh tiếng Việt năm 2023. Thông tin được ông Đinh Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thông tin - Văn hóa (Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài) đưa ra tại Lễ phát động Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức hôm 8/9/2022 cho thấy, trong năm 2023, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao dự kiến tổ chức rất nhiều hoạt động.

“Trong đó có các hoạt động cụ thể như: Hành trình tìm kiếm và phong tặng danh hiệu “Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2023”; hoạt động “Tri ân” nhằm ghi nhận, động viên các cá nhân, gia đình, tổ chức, hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài có đóng góp tích cực trong phong trào giữ gìn và lan tỏa tiếng Việt trong cộng đồng với nhiều hình thức khen thưởng; chương trình biểu diễn nghệ thuật trực tiếp kết hợp trực tuyến “Tiếng Việt thân thương” nhằm tôn vinh vẻ đẹp, tinh thần của tiếng Việt thể hiện qua các tác phẩm đặc sắc của nền âm nhạc Việt Nam, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài…”, ông Linh thông tin.

Theo baodantoc