Với hơn 80 nghìn kiều bào thế hệ thứ hai đang sinh sống tại Đài Loan, nền văn hóa Việt, tiếng Việt rất được người Đài Loan (Trung Quốc) coi trọng. 

Là thế hệ thứ hai sinh ra và lớn lên tại Tân Chúc, Đài Bắc, Đài Loan, Trần Thuỳ Dương (29 tuổi) và Phạm Ngạn Cẩn (13 tuổi) có thể nói tiếng Việt lưu loát, thậm chí hiểu cả hát, đọc thơ, hiểu các phong tục tập quán của người Việt Nam. Trong đó bé trai Phạm Ngạn Cẩn còn là fan ruột của Sơn Tùng M-TP, Trúc Nhân.

Đây chính là thành quả lớn nhất mà người mẹ Việt của bé, chị Phạm Mỹ Dung có được sau những năm tháng miệt mài truyền dạy tiếng mẹ đẻ và văn hóa truyền thống cho những đứa con và người thân trong gia đình ngay tại Đài Loan.

leftcenterrightdel
Chị Phạm Mỹ Dung dạy tiếng Việt tại Đài Loan (Trung Quốc)

Được biết, chị Phạm Mỹ Dung hiện là thông dịch viên đặc biệt tại Toà án tối cao Đài Loan. Ngoài ra, chị Phạm Mỹ Dung còn giáo viên tiếng Việt tại 8 trường từ tiểu học, Đại học cộng đồng, Đại học tại Đài Loan.

“Là một công dân sống xa Tổ quốc 23 năm nhưng trái tim tôi vẫn luôn hướng về quê hương yêu dấu. Đặc biệt, nơi nước sở tại hàng ngày tôi chứng kiến sự trưởng thành của thế hệ thứ hai, tôi lại càng đau đáu ước nguyện làm sao có thể quảng bá, nhân rộng, để con em mình thông thạo tiếng mẹ đẻ thấm nhuần truyền thống văn hoá của người Việt Nam giữ gìn được gốc gác, cội nguồn”, chị Dung chia sẻ. 

Để thực hiện ước nguyện, ban đầu chị Phạm Mỹ Dung gặp rất nhiều khó khăn. Chị đến từng khu vực xin làm tình nguyện viên để có cơ hội truyền bá văn hoá Việt Nam đến những người văn hoá bản địa, góp nhặt từng cơ hội đó để người bản sứ thêm hiểu về văn hoá truyền thống Việt Nam, để tiếp nhận và hào hứng học tiếng Việt. 

“Năm 2000, khi mới đi sang Đài Loan, để hoà nhập với cộng đồng, tôi dẫn chị em người Việt đi làm tình nguyện viên trong các trường đại học cộng đồng, trung tâm văn hóa của từng khu vực. Tại đây, chúng tôi cắt tóc, làm móng chân, móng tay cho người già, tạo niềm vui cho người già, dạy hát, dạy tiếng Việt cho người Đài Loan hoàn toàn miễn phí. Tôi mua sắm quần áo Việt Nam để mỗi khi hoạt động cho người Đài Loan, để mọi người mặc thử” - chị Dung chia sẻ.

leftcenterrightdel
Với hơn 80 nghìn kiều bào thế hệ thứ hai đang sinh sống tại Đài Loan, nền văn hóa Việt, tiếng Việt rất được người Đài Loan (Trung Quốc) coi trọng 

Từ những hoạt động này, chị Dung và những người bạn của mình có cơ hội quảng bá văn hoá, ẩm thực Việt Nam cho người Đài Loan. Chị cũng dạy tiếng Việt giúp người già hiểu được đôi chút tiếng Việt để họ nói chuyện với con dâu, kết nối tình cảm rút ngắn ngôn ngữ trong gia đình.

Năm 2012, chị Phạm Mỹ Dung thành lập Hiệp hội Quảng bá và Phát triển Văn hoá tân di dân huyện Tân Trúc. Hiện nay, Hiệp hội có 500 hội viên với các hoạt động văn hoá, quảng bá ẩm thực và dạy tiếng Việt.

Tiếng Việt nổi trội và được nhiều người theo học ở Đài Loan

Với ước nguyện cháy bỏng dạy tiếng Việt truyền tải hình ảnh Việt Nam thân thiện, chị Phạm Mỹ Dung cùng các chị em đồng hương của mình đã vuợt qua rất nhiều khó khăn để mang tiếng Việt đi khắp xứ Đài.

Chính phủ Đài Loan đã ghi nhận và hỗ trợ cho việc truyền bá văn hoá và dạy tiếng Việt cho con em tân di dân nói chung và Việt Nam nói riêng.

leftcenterrightdel
Ở Đài Loan, Tiếng Việt nổi trội hơn và được nhiều người theo học so với tiếng Thái Lan, Indonesia… 

Chị Phạm Mỹ Dung cho biết, hiện nay, với hàng nghìn cô dâu Việt tại Đài Loan và hơn 80 nghìn kiều bào thế hệ thứ hai... tiếng Việt trở thành ngôn ngữ tự chọn ở các trường từ cấp 1,2,3 tại Đài Loan. Ngoài ra, ở Đài Loan, Tiếng Việt nổi trội hơn và được nhiều người theo học so với tiếng Thái Lan, Indonesia…

Mỗi một ngôn ngữ đều có một nét văn hoá nằm trong đó. Chính vì vậy thông qua mỗi buổi dạy tiếng Việt, chị Phạm Mỹ Dung đã giúp  những người dân xứ Đài hiểu được hơn về văn hóa, phong tục người Việt Nam. 

Bích Len