Đang ở trường, bất chợt điện thoại của Jeon Hyong Jun rung lên. Vừa bắt máy, đầu dây bên kia một giọng phụ nữ nói tiếng Việt cất lên: "Xin hãy giúp tôi! Tôi không thể chịu đựng được người chồng này nữa".

Cậu sinh viên của ĐH Sogang (Seoul), một tình nguyện viên, phiên dịch tiếng Việt của Trung tâm tư vấn cho người nước ngoài tại Hàn Quốc (BBB Korea) đã quá quen với những cuộc gọi "cầu cứu" kiểu này nên hiểu ngay vấn đề. Cặp vợ chồng Hàn - Việt mới cưới ba tháng nhưng bất đồng ngôn ngữ nên thường xuyên mâu thuẫn. Suốt ba tiếng đồng hồ sau đó, Jeon Hyong Jun (tên tiếng Việt là Tuấn Jeon) vừa làm phiên dịch, vừa phải đóng vai một "đại sứ" để giải thích cho cả hai vợ chồng về sự khác biệt văn hóa giữa Hàn Quốc và Việt Nam và hóa giải những xung đột của cặp vợ chồng. Kết thúc cuộc gọi, khi cả hai người nói lời cảm ơn trong nước mắt. "Nghe họ nói, tôi cũng chỉ muốn khóc theo", chàng trai 25 tuổi bộc bạch.

Cô dâu Việt này chỉ là một trong hơn 2.000 người đã được Tuấn Jeon giúp đỡ thông qua các cuộc gọi tư vấn miễn phí của BBB Korea. Chàng trai luôn tin rằng công việc của mình đã phần nào gỡ rối những khó khăn, xoa dịu nỗi cô đơn, lo sợ của người Việt khi mới sang đất khách quê người.

Jeon Hyong Jun (tên tiếng Việt là Tuấn Jeon) hiện đang là sinh viên năm cuối trường ĐH Sogang (Seoul). Ảnh: Nhân vật cung cấp.

"Tiếng Việt đến với tôi như một sự sắp đặt của số phận", Jeon cười và kể về hành trình đến với Việt Nam đầy ngẫu hứng của mình. Năm 2011, cậu bé Jeon đăng ký vào khoa tiếng Anh của trường trung học ngoại ngữ Chungnam ở TP Asan nhưng không đủ điểm. Không muốn chuyển trường khác nên Jeon Hyong Jun "nhắm mắt" chọn khoa tiếng Việt. Ngay cả bố mẹ cũng không hài lòng và cho rằng việc cậu chọn học tiếng Việt thời điểm đó là kỳ quặc và khó hiểu. Nhưng chị gái lại động viên: "Làm những gì người khác không làm mới thú vị chứ!".

Những ngày đầu làm quen với tiếng Việt của Jeon thực sự là một thử thách cực hình vì "thứ ngôn ngữ gì mà có tới sáu thanh và năm dấu". Cậu bé 15 tuổi chán nản và buông xuôi, không buồn học hành gì.

Học được 2 tháng, lớp đón một đoàn thanh niên Việt Nam sang giao lưu. Trước đây, hình ảnh Việt Nam trong tưởng tượng của Jeon thường gắn với nghèo đói và lạc hậu. Nhưng trong thời gian ngắn, những người Việt đã khiến cậu học sinh lớp 10 bất ngờ vì sự hiểu biết rất rộng của họ về đất nước Hàn Quốc. Mọi người nhiệt tình dạy cách phát âm tiếng Việt, học những bài hát Việt Nam. "Bản thân mình học tiếng Việt mà chẳng chịu tìm hiểu Việt Nam, trong khi người ta lại biết nhiều và nói rất tốt về Hàn Quốc", Tuấn Jeon bỗng thấy xấu hổ. Từ thời điểm đó, cậu mở lòng mình hơn và tự hứa "sẽ trở thành người nước ngoài giỏi tiếng Việt nhất".

Để tăng vốn từ, chàng trai này sắm ngay một quyển từ điển dày, ngày học thêm chục từ mới. Học sinh ở ký túc xá bị cấm sử dụng điện thoại nên cậu lén tạo tài khoản Facebook trên máy tính của trường, kết bạn với hàng nghìn người Việt, thường xuyên trò chuyện online. "Bạn bè người Việt trên Facebook nhiệt tình lắm. Biết tôi đang học tiếng Việt nên họ kiên nhẫn, trò chuyện và hướng dẫn", cậu nhớ lại. Bằng phương pháp này, tiếng Việt của Jeon tiến bộ từng ngày. Đôi khi nói chuyện với mọi người, gặp những từ lóng không hiểu nghĩa, cậu chép vào sổ rồi mang lên hỏi cô giáo. Suốt những năm cấp 3, cậu bé Hàn Quốc say sưa với tiếng Việt đến nỗi bị bạn bè trêu "khó có khả năng đỗ đại học vì chẳng thấy học môn học nào khác".

Cô Nguyễn Thị Thanh Tâm, giáo viên tiếng Việt của Tuấn Jeon tại trường THPT Ngoại ngữ Chungnam luôn cảm thấy tự hào về cậu học sinh đặc biệt này. "Hiếm có ai chăm học tiếng Việt như học sinh này. Bài thi viết, nói hay tự luận tiếng Việt, lần nào Tuấn cũng giành giải nhất toàn trường", cô Tâm nói.

Những năm học cấp 3, Tuấn Jeon còn viết thư gửi đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc chia sẻ câu chuyện học tiếng Việt. Sau đó cậu được mời riêng tới đại sứ quán nói chuyện và vị đại sứ cũng tình nguyện đến giảng dạy tại khoa. Tiếp đó, cậu viết một lá thư với chủ đề "Việt Nam, định mệnh của em" gửi cho các tòa soạn báo tại Việt Nam để quảng bá chủ đề học sinh cấp 3 Hàn Quốc học tiếng Việt.

Tuấn Jeon làm việc cùng đồng nghiệp tại Đài Tiếng nói Việt Nam trong một năm trải nghiệm sống và làm việc tại Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Lên đại học, Tuấn Jeon đỗ vào Khoa Hàn Quốc học Quốc tế và Truyền thông của Trường Đại học Sogang. Để có thể cơ hội sử dụng tiếng Việt thường xuyên, cậu đăng kí làm tình nguyện viên của BBB, chuyên nhận những cuộc gọi tư vấn, hỗ trợ người Việt hòa nhập với cuộc sống mới ở Hàn Quốc. "Vì là đường dây nóng nên các cuộc gọi có thể đến bất cứ lúc nào, nửa đêm, đang trên lớp, đi bộ trên đường hay đang ăn cơm...", Tuấn Jeon kể.

Từ năm 2014 đến nay, Tuấn Jeon đã nhận tổng cộng khoảng hơn 2.200 cuộc gọi, giúp giải quyết các vấn đề trong sinh hoạt hàng ngày như ở bệnh viện, đồn cảnh sát; các tình huống lạc đường hay mất ví trên tàu điện ngầm; các xung đột vợ chồng do bất đồng ngôn ngữ...

"Cuộc gọi" hỗ trợ lâu nhất kéo dài 2 tháng, đến từ một bệnh nhân người Việt. Tuấn Jeon phải nghe hướng dẫn của bác sĩ về lịch mổ, thuốc men, các chú ý cần thiết... rồi dịch lại sang tiếng Việt cho bệnh nhân. Hai ngày sau, do cuộc gọi từ BBB hoàn toàn ngẫu nhiên nên Jeon mất liên lạc với bệnh nhân. Khi kết nối lại được thì ca mổ đã diễn ra nhưng sức khỏe người đàn ông Việt rất yếu. Chàng sinh viên ĐH Sogang quyết định công khai số điện thoại cá nhân dù điều này trái với quy định. Từ đó, hàng ngày cậu cùng y tá viết hướng dẫn cụ thể cho bệnh nhân người Việt như ăn uống, thuốc tiêm... lên giấy.

Trong hai tháng nằm viện, ngày nào cậu cũng gọi hỏi thăm tình hình của người đàn ông xa lạ. Khi xuất viện, người đàn ông Việt đã gọi điện cảm ơn: "Anh sẽ không bao giờ quên được sự giúp đỡ, tình cảm ấm áp và tốt bụng của em".

Không chỉ say mê tiếng Việt, Tuấn Jeon còn "nghiện Việt Nam". Gần 10 năm qua, cậu đã có hơn 20 lần sang Việt Nam. Kết thúc năm thứ 3 đại học, anh quyết định xin bảo lưu để sang Việt Nam trải nghiệm. Vừa đặt chân đến Hà Nội, anh "đánh liều" viết thư xin việc tại Đài tiếng nói Việt Nam để xây dựng một chương trình tin tức, phóng sự bằng tiếng Hàn. Chàng trai trẻ còn được Đài ưu tiên sản xuất một chương trình giao lưu với thính giả, phát vào Chủ nhật hàng tuần. Thời điểm đó, nhiều người đặt cho Tuấn Jeon biệt danh "Chàng trai Hà Nội".

Ở Việt Nam, cậu như "cá gặp nước". Tuấn Jeon thích ăn bún đậu, lê la trà đá vỉa hè, ngẩn ngơ với những xe hoa bán rong trên phố. Mặc dù không biết đi xe máy nhưng mỗi lần di chuyển "Chàng trai Hà Nội" đều chọn xe ôm để ngắm đường phố, nhìn người Việt ở cự li gần, được "tám chuyện" với bác tài. Tiếng Việt của Jeon thạo đến nỗi nhiều lần bị yêu cầu xuất trình giấy tờ vì không ai tin là người nước ngoài. "Kiếp này tôi là người Hàn nhưng kiếp trước chắc chắn là người Việt", chàng trai hóm hỉnh bình luận thêm mỗi khi bị nhầm lẫn.

Tuấn Jeon rất thích cuộc sống ở Hà Nội. Thanh niên này mong muốn sau khi tốt nghiệp sẽ quay trở lại Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Sau một năm ở Việt Nam, tháng 2/2020, Tuấn Jeon về nước, tiếp tục theo học năm cuối đại học. Thời gian dịch Covid-19, dù việc học bận rộn nhưng anh vẫn tiếp tục làm tình nguyện nguyện viên của BBB Korea, các cuộc gọi hầu hết đến đều từ các khu khám chữa bệnh và sàng lọc người nghi nhiễm.

Tháng 9/2020, từ số tiền tiết kiệm được, Tuấn Jeon thành lập quỹ học bổng của riêng mình để hỗ trợ 6 học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở TP HCM có thể học hết cấp 3. Bên cạnh việc hỗ trợ về mặt tài chính, anh cũng thường xuyên giao lưu, trò chuyện với các em qua mạng. Chàng thanh niên 25 tuổi hy vọng, khi tốt nghiệp và có công việc ổn định, số trẻ em được nhận học bổng từ quỹ sẽ tăng lên.

"Những gì tôi làm đều xuất phát từ trái tim bởi Việt Nam là định mệnh của tôi", chàng trai Hàn Quốc nói.

Theo vnexpress