leftcenterrightdel
 Mối quan hệ thân thiết giữa thợ làm tóc và khách hàng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ công tác giúp đỡ nạn bạo lực gia đình ở Mỹ. Ảnh minh họa: LuxyHair.

“Mối quan hệ giữa thợ làm tóc với khách hàng rất đặc biệt, không chỉ dừng lại ở việc tạo kiểu dáng cho tóc”, Suzanne Post, chủ một salon và là người sống sót sau khi bị bạo hành gia đình, chia sẻ với CNN.

Cô đã làm việc với tổ chức YWCA địa phương nhằm đề xuất ý tưởng đào tạo chuyên gia làm đẹp tới các nhà lập pháp.

“Chúng tôi lắng nghe mọi câu chuyện từ khách hàng. Bởi vậy, việc trang bị đủ nguồn lực cho thợ làm tóc là rất quan trọng, có thể tạo khả năng cứu sống hoặc đưa nạn nhân tìm đến người trợ giúp phù hợp”, cô nói thêm.

Bộ Thương mại & Bảo hiểm Tennessee cho biết theo luật có hiệu lực từ 1/1, các chuyên gia làm đẹp phải hoàn thành khóa đào tạo kéo dài 1 tiếng đồng hồ về cách nhận biết và ứng phó với những dấu hiệu bạo lực gia đình.

“Các chuyên gia làm đẹp phát triển mối quan hệ thân thiết, giống như những nhà tư vấn, với các khách hàng của họ”, hạ nghị sĩ bang Sam Whitson, nhà đồng tài trợ cho đạo luật mới, nói.

Tennessee là tiểu bang mới nhất áp dụng sáng kiến này. Trước đó, các bang Arkansas, Illinois và Washington đã yêu cầu thợ làm tóc hoàn thành khóa đào tạo.

“Làm việc với thợ làm đầu và nhà tạo mẫu tóc là một ý tưởng tuyệt vời”, Kiersten Stewart, Giám đốc chính sách công và vận động của tổ chức phi lợi nhuận nhằm chấm dứt bạo lực gia đình và tình dục Future Without Violence, khẳng định.

“Nạn nhân bạo lực gia đình thường tìm đến những người thân quen để nhờ giúp đỡ đầu tiên. Có nhiều khả năng họ sẽ trò chuyện với một người bạn đáng tin cậy, hoặc thành viên gia đình, hay cư dân thân quen trong cộng đồng trước khi tìm đến sự giúp đỡ của cơ quan pháp luật”, bà nói thêm.

Mỗi năm, hơn 12 triệu phụ nữ và đàn ông là nạn nhân của bạo lực gia đình do vợ/chồng gây ra. Đường dây nóng Bạo lực Gia đình Quốc gia Mỹ nhận hơn 20.000 cuộc gọi mỗi ngày về vấn đề này.

Ủy ban Quốc gia về Covid-19 và Tư pháp Hình sự Mỹ cho biết số cuộc gọi có xu hướng tăng trong thời gian giãn cách xã hội. Trong một phân tích dữ liệu từ nhiều thành phố của cơ quan này, số vụ bạo hành đã tăng 8,1% sau khi những đợt phong tỏa diễn ra trong năm 2020.

Ở một báo cáo khác, ủy ban cho biết số cuộc gọi về bạo lực gia đình tăng 9,7% vào tháng 3 và 4/2020.

Theo zingnews