"Covid-19 khiến xương cốt tôi đau buốt, lồng ngực nghẹn tức và không cảm nhận được bất cứ mùi vị gì. Nghĩ lại mà thấy ớn lạnh", Thu Nguyễn, phiên dịch viên người Việt sống tại Mỹ, nói với Zing.

Kể từ khi đại dịch bùng phát ở xứ cờ hoa, chị chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có ngày mắc Covid-19.

Hơn 21 ngày vật lộn với dịch bệnh đưa nữ phiên dịch viên qua nhiều cung bậc cảm xúc: từ tâm trạng bàng hoàng lúc nhận tin, tới nỗi tuyệt vọng do bệnh tình trở nặng và hạnh phúc vỡ òa khi lấy lại khứu giác, vị giác.

"Tôi không muốn bất cứ ai phải trải qua cảm giác kinh khủng này. Mắc Covid-19 đau và đáng sợ lắm!", chị Thu bộc bạch.

benh nhan covid viet tai my anh 1

Chị Thu Nguyễn vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại trải nghiệm

chống chọi virus SARS-CoV-2 suốt 21 ngày.

Thay 10 đôi găng tay mỗi ngày

7năm trước, chị Thu tái hôn với bạn trai người Mỹ Walker Cline. Ngoài con gái lớn tên Miu (hiện 17 tuổi), 2 vợ chồng còn có với nhau bé Guthrie (hiện 5 tuổi). Năm 2017, cả nhà quyết định rời TP.HCM tới bang Missouri, Mỹ định cư.

Đầu tháng 2 năm nay, cuộc sống của gia đình chị hoàn toàn đảo lộn chỉ sau cuộc gọi từ nữ sinh viên sống cùng nhà.

"Chị ơi, em mắc Covid-19 rồi", tiếng cô bé thảng thốt qua điện thoại khiến tim chị chùng xuống.

Chị Thu bần thần khi nghĩ mình có thể nhiễm Covid-19 từ nữ sinh này. 2 ngày trước, chị là người giúp cạo gió, xức dầu khi thấy cô bé có triệu chứng cảm lạnh.

Ngay hôm ấy, nữ sinh kia chủ động dọn tới khách sạn tự cách ly, còn gia đình chị Thu nhanh chóng đến bệnh viện làm xét nghiệm Covid-19.

“Trong cái rủi có cái may, cả nhà chỉ có tôi nhiễm SARS-CoV-2. Anh xã cùng 2 con đều âm tính”, Thu Nguyễn kể với Zing. Dù vậy, gia đình chị vẫn được yêu cầu tự cách ly trong vòng 14 ngày.

benh nhan covid viet tai my anh 2

Chị Thu Nguyễn cảm thấy may mắn khi chồng và các con có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Ở Mỹ, người mắc Covid-19 không được nhập viện trừ khi bệnh tình trở nặng do tình trạng quá tải ở bệnh viện. Cơ quan y tế sẽ gửi hướng dẫn tự cách ly, yêu cầu bệnh nhân ký cam kết và định kỳ thăm khám qua điện thoại.

Trở về nhà, nữ phiên dịch viên lập tức dùng phòng nghỉ của khách làm "địa bàn cách ly". Trong ít nhất 14 ngày tiếp theo, chị không được tiếp xúc với chồng con, hạn chế rời phòng để tránh lây nhiễm cho người thân.

"Mỗi lần buộc phải rời phòng, tôi đều thay quần áo mới, đeo khẩu trang, găng tay và yêu cầu người nhà tránh xa 2 m. Khi đó, tôi có thể dùng hết 10 đôi găng tay mỗi ngày", chị Thu hồi tưởng.

Sút 10 kg trong 21 ngày

Chỉ 2-3 ngày sau khi được chẩn đoán dương tính với SARS-CoV-2, bệnh tình chị Thu nhanh chóng trở nặng. Ảnh hưởng từ virus khiến chị chỉ có thể nằm lì trên giường, lắng nghe tiếng chồng con líu ríu qua cánh cửa.

Ngoài cảm giác đau buốt toàn thân, chị phải chịu thêm cảm giác khó thở, sốt cao, ho nhiều và mất vị giác, khứu giác.

"Tôi có thói quen xức nước hoa mỗi sáng. Nhưng tới ngày thứ 3 mắc Covid-19, tôi không ngửi được bất cứ mùi hương nào nữa. Lúc ấy tôi sợ lắm!", chị kể.

Những ngày tiếp theo, sức khỏe chị Thu dần bị bào mòn do bệnh viêm gan, đau dạ dày tái phát. Hễ ăn vào là chị ói mửa, tiêu chảy, dẫn đến cảnh sút gần 10 kg trong vỏn vẹn 21 ngày.

 
 

Ngày thứ 10-12 là khoảng thời gian khó khăn nhất do bệnh tình chuyển xấu. Chị Thu từng nghĩ mình sẽ chết vì Covid-19, nhất là những lúc không thể thở được.

"Tôi từng muốn chồng gọi 911 khi thấy bản thân mãi không đỡ bệnh. Tôi cũng hay gọi điện cho mẹ chồng, bạn bè ở đây rồi bật khóc vì sợ không thể gặp lại chồng con nữa", chị nói.

2h (giờ Mỹ) của ngày cách ly thứ 10, chị Thu lần đầu tiết lộ câu chuyện mắc Covid-19 lên mạng xã hội. Trước đó, chị giấu việc này với người thân, bạn bè ở Việt Nam vì sợ họ lo lắng.

Dù nữ phiên dịch viên lập tức ẩn bài đăng sau 15 phút vì sợ gây hoang mang, thông tin chị đang chật vật với dịch bệnh đã đến tai gia đình.

Lo chị không nhận được sự trợ giúp y tế chu đáo, em gái khuyên chị Thu nên về Việt Nam chữa bệnh. Nhưng người phụ nữ 40 tuổi vẫn kiên quyết ở lại Mỹ vì không muốn trở thành gánh nặng.

"Tôi là người mắc Covid-19, giờ lên máy bay thì có thể gây nguy hiểm cho nhiều người. Đã cách ly thì phải làm cho triệt để, không đi tới bất cứ đâu", chị Thu nhấn mạnh.

Quyết tâm là thế, song chị vẫn không nén nổi nỗi tuyệt vọng khi bệnh tình trở nặng. Hàng loạt suy nghĩ tiêu cực quẩn quanh khiến chị liên tục tự hỏi: "Lỡ như mình ra đi, ai sẽ chăm sóc chồng, con mình?".

Động lực to lớn

Suốt 3 tuần chị cách ly, bang Missouri chìm trong lạnh giá, có lúc tuyết phủ dày tới 38 cm. Dù vậy, người thân và bạn bè ở Mỹ luôn tận tình giúp đỡ, thường xuyên gửi đồ ăn, thuốc men đặt trước cửa nhà.

Những lúc tuyệt vọng nhất, nữ phiên dịch viên luôn được mẹ chồng và bạn đời hỗ trợ, sẻ chia. Họ là người trấn an, liên hệ cơ quan y tế và bác sĩ tư nhân để hỏi han phương pháp điều trị.

Ngoài ra, các con cũng không ngừng quan tâm, động viên mẹ. Miu ngày nào cũng đun nước xông, còn cậu út Guthrie thì miệt mài viết thư nhét qua khe cửa phòng nơi mẹ cách ly.

"Guthrie mới 5 tuổi nên chỉ biết một vài chữ. Con thường lấy giấy màu viết tên mẹ, tên con kèm thông điệp 'I love you mommy' và hàng trái tim ngay ngắn", người mẹ 40 tuổi hồi tưởng.

Ngày thứ 13, thay vì nằm lì trên giường, nữ phiên dịch viên cố gắng đứng dậy đi bộ quanh phòng, tập hít thở và thiền. Chị chịu khó ăn uống, làm theo chỉ dẫn từ bác sĩ và thử nhiều cách nâng cao sức khỏe do bạn bè mách nước.

"Tại thời điểm đó, ai khuyên gì tôi cũng dám thử, dám làm. Tôi muốn sống, muốn gặp lại các con", chị Thu nói.

Nhờ phòng dịch cẩn thận, bạn đời và 2 con chị hoàn toàn âm tính với Covid-19 sau 14 ngày. Với chị, dù kết quả xét nghiệm lần 2 vẫn cho kết quả dương tính, cơ quan y tế tuyên bố chị không cần tiếp tục cách ly nữa.

"Ở Mỹ, chỉ cần bệnh trạng thuyên giảm sau 2 tuần thì các bác sĩ khẳng định sẽ khỏi Covid-19. Nhưng để chắc chắn, tôi tiếp tục ở nhà theo dõi thêm 7 ngày".

Dần dần, sức khỏe chị khá lên rõ rệt. Cảm giác đau buốt xương cốt vơi bớt, cơn ho cũng lui dần và cảm giác khó thở như đá đè trên ngực cũng biến mất. Lúc này, chị mới dám gọi video về cho mẹ ở Việt Nam.

Ngày 4/3, chị Thu lấy lại khứu giác, vị giác sau gần một tháng. Nữ phiên dịch viên nói tâm trạng khi ngửi được hương cà phê sáng len qua khe cửa "còn vui sướng hơn cô dâu trong ngày cưới".

Trải nghiệm mắc Covid-19 khiến con người chị Thu hoàn toàn thay đổi. Người phụ nữ 40 tuổi ấy nhận ra tinh thần là nguồn sức mạnh to lớn để chống chọi bệnh tật, càng thêm quý trọng cuộc sống hiện tại.

"Ngày trước tôi khá khó tính, hay giận chồng con lắm. Nhưng giờ tôi chỉ muốn dành nhiều thời gian bên gia đình, ôm hôn các con cho thỏa lòng. Tôi mong sớm có vaccine để mọi người được sinh hoạt bình thường", chị bộc bạch.

Theo Zing