Khoa Pug gặp rắc rối vì ghi hình không xin phép

Travel blogger Khoa Pug (tên thật là Nguyễn Anh Khoa, sinh năm 1992) được biết đến với những video trải nghiệm du lịch, ẩm thực ở nhiều quốc gia đắt đỏ hoặc nghỉ dưỡng ở các resort xa xỉ trong nước. Anh chàng cũng thường xuyên gặp sự cố trong các chuyến đi như việc tố một resort ở Mũi Né lừa đảo, sau đó khiến khu nghỉ này nhận "bão" đánh giá một sao của cộng đồng mạng. Mới đây, Khoa Pug một lần nữa gặp ý kiến trái chiều với video trải nghiệm nhà hàng tại Kyoto (Nhật Bản), thậm chí là nhiều "gạch đá" gay gắt.

Đây là một nhà hàng có truyền thống lâu đời từ năm 1911. Phục vụ nhà hàng đa phần là những người phụ nữ lớn tuổi, mặc đồ kimono truyền thống. Khoa Pug và người quay phim được mời vào một căn phòng riêng biệt, có một người phục vụ tận tình từ đầu đến cuối. Ban đầu, người này khá vui vẻ với hai người khách đến từ Việt Nam, gợi ý họ nên ăn sukiyaki - một loại bò nướng truyền thống ở Nhật. Tuy nhiên, sau đó, hai bên đã có sự hiểu lầm khiến người phục vụ tỏ thái độ và đi ra ngoài.

"Lúc đầu, chị khá vui với mình nhưng đến khi làm đồ ăn xong, chị muốn cameraman (là con gái) cũng được ăn chung mà không phải đứng quay phim. Chị nghĩ mình là chủ, cô ấy là đầy tớ kiểu ngày xưa nên không được ngồi chung. Món lẩu này cần ăn nóng. Người quay phim của mình muốn quay cho hết cảnh vì cách chế biến đặc biệt, phải đứng quay mới được và cô ấy không thích ăn trứng sống. Chị phục vụ hiểu lầm là mình ra hiệu cho người quay phim không được ăn. Sau đó, chị không cho quay nữa, nói mình nếu còn tiếp tục sẽ đi ra ngoài, không phục vụ", blogger chia sẻ.

Khoa Pug giải thích, ở Nhật nói chung và Kyoto nói riêng còn khá phong kiến, phụ nữ cũng ít được tôn trọng nên người phục vụ mới khóc vì trong một phòng ăn có hai người phụ nữ: một người quỳ phục vụ, một người đứng quay cho người đàn ông còn lại, như vậy quá bất công. Anh và người quay phim đã cố giải thích là quay xong cả hai sẽ ăn chung nhưng ngôn ngữ bất đồng. Người quay phim đã chạy ra nói chuyện thêm mấy lần nữa, chị phục vụ mới hiểu và cười lại với cả hai lúc ra về. Khoa Pug cũng cho biết, ngay từ đầu khi vào quán, anh đã quay video mà không vấp phải sự phản đối nào.

Tuy nhiên, những người am hiểu văn hóa Nhật Bản khi xem video cho rằng anh chàng blogger đã khiến người phục vụ khó chịu vì liên tục quay mình. Theo đó, người phụ nữ ban đầu đã mời cô gái ngồi xuống cùng ăn vì đồ ăn lúc vừa làm xong là ngon nhất. Sau đó, chị liên tục nói và xua tay: "làm ơn đừng quay nữa", "dừng lại", "đủ rồi", "tôi không phải thứ đưa ra để xem"... thậm chí còn nói bằng tiếng Anh để Khoa Pug hiểu nhưng không được đáp ứng. Do đó, người phục vụ mới bỏ ra ngoài. Điều này cho thấy, anh chàng blogger Việt đã phạm phải một trong những điều không nên làm ở Nhật.

Không phải ai hoặc thứ gì ở Nhật cũng có thể xuất hiện trong bức ảnh của bạn.

Ở Nhật, không phải ai cũng có thể xuất hiện trong bức ảnh của bạn.

Những người sống lâu năm ở Nhật Bản hay những người yêu mến đất nước mặt trời mọc hẳn đã quen thuộc với lối sống khép kín và lịch sự của người dân nơi đây. Có nhiều quy tắc ứng xử mà du khách có thể thoải mái thực hiện ở nơi khác nhưng sẽ trở nên khiếm nhã ở Nhật Bản, trong đó có chụp ảnh, quay phim mà không có sự đồng ý của nhân vật chính.

Theo Live Japan, chụp ảnh là một hành vi cần phải cân nhắc ở Nhật Bản, không phải ai cũng có thể xuất hiện trong bức ảnh của bạn. Đầu tiên, du khách phải quan sát khu vực mình đang đứng có treo biển cấm chụp ảnh hay không. Thông thường những nơi công cộng như lễ hội, công viên, tòa nhà... là địa điểm an toàn. Những người không thích vào ảnh của bạn, họ sẽ chủ động né tránh hoặc yêu cầu bạn không chụp họ. Chỉ được chụp ảnh chân dung một người lạ ở Nhật với sự đồng ý của người này, đó là chưa kể nếu muốn đăng lên mạng xã hội, bạn cũng nên hỏi họ trước.

Ngoài ra, bạn không được chụp trẻ em hay cửa sổ nhà người khác vì lý do đảm bảo an ninh. Thậm chí, chụp ảnh trong toa tàu điện ngầm cũng là một hành vị bị cấm ở Nhật. Thêm vào đó, nhiều di tích hay nhà cổ cũng nằm trong danh sách cấm hoặc hạn chế chụp ảnh công khai. Các cửa hàng đồ handmade, thủ công mỹ nghệ, đồ gốm cũng không cho phép du khách chụp ảnh vì lo sợ bị sao chép thiết kế.

Thuật ngữ "cấm chụp ảnh" trong tiếng Nhật là "satsuei kinshi". Nếu muốn hỏi ai đó rằng liệu bạn có thể chụp ảnh họ hay không là "sum sumimasen, shashin o totte mo ii desu ka?". Nếu một người gật đầu và mỉm cười, bạn có thể tự do chụp bao nhiêu ảnh tùy thích, ngược lại, nếu họ khoanh tay hoặc xua tay, có nghĩa là "không" và bạn cần tôn trọng điều đó.

Theo ngoisao.net