Suốt 20 năm, Diana Markosian - nhiếp ảnh gia - cứ ngỡ cô nắm rõ lịch sử nhập cư của gia đình hoặc ít nhất là những chi tiết chính, theo CNN. Nhưng đó không phải tất cả.

Năm 1996, khi Markosian 7 tuổi, Svetlana - mẹ của Markosian - đánh thức cô và anh trai David lúc nửa đêm, bảo 2 con gói ghém tất cả đồ đạc cần thiết vì họ sẽ đi Mỹ.

Theo trí nhớ của Markosian, cô và anh trai đều không hỏi mẹ câu nào. Đêm đó, 3 mẹ con họ lên máy bay ở Moscow (Nga) đi Los Angeles (Mỹ) mà không nói lời từ biệt với cha.

mat toi cua giac mo My anh 1

Diana Markosian và cha mẹ. Cảnh tái hiện từ bộ ảnhSanta Barbara.

Khi xuống sân bay, cả gia đình được chào đón bởi Eli - người đàn ông Mỹ béo lùn, lớn hơn Svetlana nhiều tuổi. Eli đưa 3 mẹ con họ về nhà ông ở ven biển Santa Barbara, bang California. Với cô bé Markosian khi đó, chuyến đi chỉ là kỳ nghỉ.

Tuy nhiên, chưa đầy một năm sau đó, Svetlana kết hôn với Eli (họ chung sống 9 năm). Santa Barbara chính thức trở thành nhà.

Cái giá của “giấc mơ Mỹ”

“Khi chúng tôi đến Mỹ vào những năm 1990, cảm giác như một giấc mơ tuyệt vời. Mẹ tôi thích trở thành cư dân xứ cờ hoa. Tôi không chắc bà ấy đã bỏ lại gì phía sau”, Markosian nhớ lại.

Trước khi tới sống ở Santa Barbara, Markosian đã biết chút ít về nơi này, phần lớn qua một vở kịch cùng tên của Mỹ những năm 1980, được phát sóng ở Nga thời hậu Xô Viết.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, năm 1991, mẹ cô - nhà kinh tế học - và bố cô - kỹ sư - sống trong cảnh nghèo đói, thất nghiệp tràn lan và siêu lạm phát. Họ đều là người Armenia di cư đến Moscow để hoàn thành chương trình tiến sĩ và ly thân trước khi cô chào đời.

mat toi cua giac mo My anh 2

Mẹ Markosian bế con gái trong khi xếp hàng nhận bánh mì miễn phí ở Moscow.

Cảnh tái hiện từ bộ ảnhSanta Barbara.

Người mẹ bán búp bê Matryoshka ở Quảng trường Đỏ và rong ruổi khắp Moscow bán váy Barbie tự thiết kế để kiếm sống. Bà cũng giúp chồng bán đồ và xếp hàng nhận bánh mì miễn phí để nuôi cả gia đình.

Tháng 1/2017, Markosian 27 tuổi, câu chuyện đó khác đi so với những gì cô từng biết. Khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống và ban hành lệnh cấm đi lại đầu tiên của mình, Markosian - khi đó làm phóng viên ảnh cho National Geographic và New Yorker - bắt đầu nài nỉ mẹ kể về câu chuyện nhập cư của chính họ.

“Tôi chỉ gợi ra vấn đề và cố gắng hiểu làm thế nào gia đình mình xoay xở để đến Mỹ. Tôi thấy mẹ ngập ngừng, muốn bộc lộ điều gì đó mà bà cảm thấy rất xấu hổ và khó nói với tôi. Đó là cách tôi được biết sự thật”, Markosian nói.

Thực tế, người mẹ say mê với viễn cảnh về nước Mỹ mà bà thấy trên TV. Bà đã đăng lên một số báo, tạp chí ở xứ sở cờ hoa, thông qua cơ quan của Nga giúp mai mối phụ nữ Liên Xô với đàn ông Mỹ, một lời nhắn đơn giản: “Tôi là một phụ nữ trẻ đến từ Moscow và muốn gặp người đàn ông tốt bụng có thể cho tôi thấy nước Mỹ”.

Thời bấy giờ, đó là con đường phổ biến cho những phụ nữ muốn nhập cư.

Bố Arsen của cô không hề biết vợ mình muốn đem con chung của họ đi khắp thế giới và cắt đứt liên lạc với ông.

Năm 22 tuổi, Markosian và anh trai từng tìm kiếm tung tích cha đẻ trong chuyến đi đến Armenia. Ông đã trở lại thủ đô Yerevan - nơi gia đình họ sống khi Markosian còn nhỏ.

mat toi cua giac mo My anh 3

Mẹ Markosian đánh thức 2 con lúc nửa đêm để thu dọn đồ bay tới Mỹ.

Cảnh tái hiện từ bộ ảnhSanta Barbara.

Markosian choáng váng và tức giận trước sự thật này. Cô không tin đó câu chuyện của gia đình mình. Cô không hề biết và không được tham gia vào quyết định thay đổi cuộc đời.

“Mẹ đưa anh em tôi đến Mỹ, giữ kín bí mật này và chúng tôi không được gặp cha đẻ trong 20 năm. Quá khứ của chúng tôi bị xóa bỏ hoàn toàn cho giấc mơ này”, nữ nhiếp ảnh gia nói.

Quên đi câu chuyện đau đớn

Để học cách đồng cảm với quyết định từ bỏ cuộc sống ở Moscow của mẹ, Markosian bắt đầu tái hiện hành trình di cư của gia đình cô qua phim ngắn kèm bộ ảnh có tựa đề Santa Barbara.

Được kể từ góc nhìn của người mẹ, Markosian casting hàng trăm diễn viên để chọn ra những người đóng vai các thành viên trong gia đình mình.

Với nhân vật thủ vai Svetlana, nữ nhiếp ảnh gia đã xem xét 384 phụ nữ dựa trên tiêu chí “hiểu ý nghĩa của việc từ bỏ mọi thứ cho giấc mơ Mỹ”.

Phim được quay khắp California, cũng như căn hộ cũ của gia đình Markosian tại Yerevan. Ana Imnadze - diễn viên đóng vai Svetlana - thậm chí còn mặc đồ từ tủ quần áo của mẹ Markosian. Còn Armen Margaryan - thủ vai Arsen - đeo đồng hồ của bố cô.

“Tôi cố gắng tách biệt phim với cuộc đời thật, coi đó gần như là tác phẩm hư cấu, để có thể chấp nhận, xử lý và yêu lấy nó. Nếu không làm vậy, tôi cảm thấy quá đau đớn”.

mat toi cua giac mo My anh 4

Markosian tái hiện câu chuyện của gia đình mình để quên đi nỗi đau.

Cảnh tái hiện từ bộ ảnhSanta Barbara.

Những thước ảnh của Santa Barbara là sự kết hợp chặt chẽ giữa yếu tố điện ảnh và cá nhân, tưởng tượng và thực tế. Tương tự, theo Markosian, bộ phim dài khoảng 15 phút “dựa vào tất cả yếu tố khác nhau để tái hiện một chương trong cuộc sống của gia đình tôi”.

Phần khó nhất của dự án nằm ở việc Markosian là người kể chuyện. Cô còn nhỏ khi câu chuyện xảy ra và thực sự không có tiếng nói trong bất kỳ quyết định nào được đưa ra lúc bấy giờ.

“Đó là ký ức chung và tất cả thành viên gia đình tôi đều có phiên bản của riêng mình”, cô nói.

mat toi cua giac mo My anh 5

Mẹ của Markosian cưới Eli sau một năm đặt chân lên đất Mỹ.

Cảnh tái hiện từ bộ ảnhSanta Barbara.

Tháng 11/2020, Markosian phát hành sách chuyên khảo đầu tay Santa Barbara. Mùa hè này, cô sẽ triển lãm các bức ảnh và ra mắt phim ngắn đã hoàn thành tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại San Francisco. “Giấc mơ Mỹ” của gia đình Markosian sẽ được chia sẻ với thế giới.

“Tôi nhớ cảm giác đặc biệt như thế nào khi đến Mỹ và không bao giờ coi đó là điều hiển nhiên. Giấc mơ này chỉ đi kèm với sự hy sinh rất lớn đối với gia đình tôi. Cơ hội để ghi nhớ và tái hiện một phần cuộc đời là một món quà. Tôi nghĩ đó là những gì nghệ thuật đã ban tặng cho mình”, nữ nhiếp ảnh gia nói.

Theo  Zing