Mới 4 tháng tuổi, bé Bu đã có chuyến đi xa đầu tiên tại Côn Đảo

Bỏ việc để trở thành ông bố “bỉm sữa”

Tôi gặp anh Cao Mạnh Tuấn khi anh cùng cậu con trai vừa trở về Hà Nội sau chuyến đi cứu hộ rùa ở Côn Đảo. Chỉ ít ngày nữa, gia đình anh lại lên đường tới Cù lao Câu (tỉnh Bình Thuận), một địa điểm kế tiếp trong hành trình còn nối dài. Qua điện thoại, ông bố 42 tuổi không quên dặn tôi đến sau 9g, khi anh đã hoàn tất các “thủ tục” chăm lo cho hai đứa con nhỏ và đưa chúng tới trường.

Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, anh Tuấn từng là phóng viên mảng du lịch của nhiều tờ báo lớn. Những chuyến đi mang đến trải nghiệm mà theo anh, đôi khi không thể cảm nhận được qua sách vở. “Tôi bị cuốn vào thiên nhiên, vào những chuyến đi bảo tồn sinh vật học từ lúc nào không hay. Có lẽ đó cũng là mối nhân duyên đưa tôi đến với vợ, khi chúng tôi vô tình gặp nhau trong một cuộc cứu hộ gấu ở Tam Đảo”, anh Tuấn kể về sự kết nối giữa tình yêu và đam mê của mình như thế.

Hơn một năm quen nhau và kết hôn, bé “Mèo” được chào đón trong niềm vui vỡ òa của vợ chồng anh Tuấn. Nhưng chẳng bao lâu sau, Mèo bị chẩn đoán mắc hội chứng Down và ung thư máu. Sáu tháng nghỉ việc, cùng con chiến đấu với bệnh tật nhưng không giữ được con bên mình khiến anh Tuấn “sốc nặng”. Câu chuyện ấy, tới giờ vẫn như một vết sẹo hằn sâu trong tâm trí và có lẽ, nó khiến anh càng thêm trân quý, yêu thương từng khoảnh khắc được ở bên những thiên thần nhỏ của mình.

Hai năm sau khi bé Mèo mất, năm 2015, vợ chồng anh Tuấn sinh thêm bé Dê và tiếp tục đón chào bé Bu vào cuối năm 2019. Khi những đứa con ra đời cũng là lúc vợ anh phát hiện căn bệnh u tuyến giáp, sức khỏe suy giảm. Anh Tuấn đi tới quyết định khiến cuộc đời chuyển sang một ngã rẽ mới. Anh từ bỏ công việc chính, chỉ làm bán thời gian để gánh vác phần việc nhà giúp vợ, toàn tâm, toàn sức chăm lo cho các con. 

Cảnh “bỉm sữa”, “con mọn” có lẽ khiến nhiều người phải ái ngại nhưng anh suy nghĩ rất giản đơn. “Tôi không cảm thấy khó khăn. Có thể đàn ông vụng về hơn một chút, không thể yêu cầu phải tỉ mỉ, chuẩn chỉnh 100% nhưng về cơ bản, đây là điều ai cũng có thể làm được”, anh Tuấn chia sẻ. 

Sau những chuyến đi, chẳng những được tăng cường sức đề kháng, các con của anh Tuấn còn có khả năng thích nghi nhanh ở nhiều môi trường

Những hành trình kỳ diệu

Công việc bán thời gian cho anh Tuấn cùng các con trải nghiệm cuộc sống theo cách anh mong muốn. Khi Dê 6 tháng tuổi, anh “xách con” lên Mộc Châu để cùng khám phá những cung đường quanh co, những đồi hoa mơ, hoa mận trắng ngần. Kể từ đó, hầu như hằng tháng, hai bố con lại “có hẹn” với một địa điểm mới trên dải đất hình chữ S, từ đồng bằng, miền núi tới những bãi biển cát trắng… Mới chỉ 5 tuổi nhưng Dê hiện đã sở hữu hàng trăm chuyến đi gần xa, trong và ngoài nước. 

Không đợi đến 6 tháng như anh trai, tháng 2/2020, bé Bu mới 4 tháng đã lên máy bay cùng bố ra Côn Đảo. Do vợ bận việc nên anh Tuấn “một nách hai con” ra trước cả tuần. Đây cũng là một trong những chuyến đi đáng nhớ nhất mà gia đình anh Tuấn đã trải qua. Ở cái độ tuổi mới biết lẫy, bé Bu hằng ngày được tắm nắng và gió biển, tự do nghịch cát, được người dân bản địa bế chuyền tay trên khắp đảo. Còn bé Dê thoải mái chơi đùa cùng những người bạn mới, cùng nhau đi bắt ốc, cào ngao… 

Kế hoạch ở Côn Đảo của gia đình anh ban đầu chỉ khoảng chục ngày nhưng sau đó, dịch COVID-19 bùng phát, anh và cả gia đình “chủ động kẹt lại” để đợi Hà Nội an toàn hơn. Họ đã có quãng thời gian hai tháng sống như những người dân của đảo.

Thành quả đầu tiên có thể nhận thấy sau những chuyến đi, theo anh Tuấn, là việc tăng cường sức đề kháng cũng như khả năng thích nghi nhanh với bất cứ môi trường nào mà các con sinh sống. Bé Bu 10 tháng chưa phải dùng tới một viên thuốc hạ sốt. Ngay từ những ngày đầu đến lớp, bé không khóc nhè mà vui vẻ theo tay cô. Còn bé Dê luôn mạnh dạn và chủ động. Bé thích giao lưu và có thể ngồi trên bãi biển cả ngày để vui đùa, xúc cát với những người bạn nhỏ mới quen…

Theo anh Tuấn, trải nghiệm từ cuộc sống, thiên nhiên mang lại những giá trị quý báu khó tìm thấy trong sách vở

Đừng xem những chuyến đi là một cuộc “hành xác”

Dù đứng ở góc độ nào, có thể dễ dàng nhận thấy, những chuyến đi của bố con bé Dê, bé Bu xuất phát từ niềm đam mê khám phá thiên nhiên của anh Tuấn.

Là admin của một hội nhóm du lịch có tiếng trên mạng xã hội, anh Tuấn kể, sau mỗi chuyến đi mà anh chia sẻ, có rất nhiều bình luận như “chẳng qua là để thỏa mãn niềm vui của bố”, “trẻ nhỏ thế này đã biết gì mà đi”, “đây không phải du lịch mà hành xác con nhỏ”… “Đúng là những chuyến đi xuất phát từ đam mê của tôi từ những ngày mới ra trường. 

Tuy nhiên, khi đi với các con, sở thích của bố mẹ hoàn toàn bị triệt tiêu. Bạn có thể hình dung, một ông bố bế hai đứa con đi chơi thì có thể làm gì ngoài việc trông chừng, chăm sóc chúng? Điều quan trọng nhất là chúng ta chỉ có thể đi khi con mình thực sự thích thú điều đó”, ông bố “bỉm sữa” thẳng thắn đối diện với những lời ì xèo, dị nghị từ những người xung quanh. 

Anh Tuấn cũng cho rằng, không phải con có thể nhớ tất cả những hành trình mình đã tham gia, nhưng anh tin, việc đưa con ra ngoài… sẽ mang đến những trải nghiệm quý báu. Tất cả những điều hay ho, đẹp đẽ của mẹ thiên nhiên mang đến sẽ thấm dần vào đôi mắt, vào thế giới quan của các con: “Trẻ con không thể kể ở Côn Đảo hay Phú Quốc… có gì mà chúng sẽ nhớ theo một cách riêng của mình. Với Dê, con thường nhớ đến những người bạn đồng hành hoặc quen biết trong chuyến đi”.

Nhiều người cũng cho rằng, muốn xách con “lên rừng, xuống biển” như anh, thì đầu tiên là phải… có tiền. Anh Tuấn thừa nhận, nếu có tiền thì con sẽ có điều kiện hơn nhưng không nhất thiết cứ phải có tiền mới đi được. Bản thân anh luôn tận dụng tất cả những khả năng để giảm thiểu chi phí và tăng cường số lượng chuyến đi. Anh đứng ra tổ chức, ghép tour cho các gia đình có cùng nhu cầu. Thậm chí, khi được mời “review” một địa điểm khám phá mới, các con vẫn là những người bạn đồng hành không bao giờ thiếu của anh… 

Theo phunuonline