Tại Hàn Quốc, nhiều người dùng app hẹn hò đang lên án những người được gọi là “magikkun” - cụm từ được ghép từ "mask" (khẩu trang) trong tiếng Anh và “sagikkun” (lừa gạt) trong tiếng Hàn.

"Tôi hầu như đều vuốt sang trái (thể hiện sự không thích) đối với các anh chàng có ảnh đại diện đeo khẩu trang trên ứng dụng hẹn hò", một phụ nữ 29 tuổi họ Yim nói với Korea Herald.

Từng hẹn gặp ngoài đời những chàng trai như vậy và cảm thấy thất vọng khi vẻ ngoài họ khác hẳn trong hình, Yim hiện cảnh giác hơn để không bị "dắt mũi".

"Tôi vẫn ưu tiên những chủ tài khoản có ảnh chụp rõ mặt hơn. Sau khi trò chuyện một lát, tôi yêu cầu họ gửi ảnh chụp selfie hoặc gọi video".

Kang Ba-da, giám đốc điều hành của ứng dụng hẹn hò Blind Date, cho biết vì các cuộc gặp gỡ bị hủy bỏ và cơ hội tìm kiếm bạn hẹn hò trở nên ít ỏi hơn, những ứng dụng hẹn hò ngày càng trở nên phổ biến.

"So với trước đại dịch, số lượng người dùng và lợi nhuận đã tăng gần gấp 3 lần", Kang nói.

 
chup anh deo khau trang anh 1

Việc đeo khẩu trang ngày càng phổ biến ở Hàn Quốc, đặc biệt trong đại dịch. Ảnh:Reuters.

Kang cũng cho biết có ngày càng nhiều người dùng đăng ảnh đeo khẩu trang trên Blind Date. Nhiều người phàn nàn về chủ các tài khoản này khi họ che đi phần lớn khuôn mặt.

"Rất nhiều hồ sơ người dùng có ảnh đeo khẩu trang, vì vậy chúng tôi phải đảm bảo chỉ cho phép có một ảnh dạng này trong mỗi hồ sơ. Nhưng nếu đó là ảnh chụp toàn thân, tôi nghĩ mọi người vẫn có thể đánh giá được vóc dáng, phong cách của chủ nhân tài khoản dù người đó có đeo khẩu trang".

Choi Ho-seung, giám đốc điều hành Hsociety Corp., công ty đứng sau một số ứng dụng hẹn hò bao gồm Sky People, cũng cho biết số lượng ảnh người dùng đeo khẩu trang "tăng lên ồ ạt".

Ứng dụng có một hệ thống xác minh nghiêm ngặt, yêu cầu người dùng phải có những bức ảnh phù hợp để được đăng ký.

"Trong các bức ảnh selfie được chụp ngoài trời hoặc chụp toàn thân, chúng tôi có thể linh động chấp nhận người dùng đeo khẩu trang, với điều kiện họ phải có những bức ảnh rõ mặt khác".

Tâm lý thích chụp ảnh với khẩu trang

Kwak Geum-joo, giáo sư tâm lý học tại Đại học Quốc gia Seoul, giải thích việc đeo khẩu trang để che đi những khuyết điểm có thể giúp mọi người cảm thấy thoải mái hơn, nhất là trong một xã hội coi trọng ngoại hình.

"Bạn có thể che đi những khuyết điểm hay biểu cảm trên khuôn mặt như cau mày hoặc cười xấu. Nếu các bức ảnh được dùng để đăng lên một trang web không được xác minh hoặc không đáng tin cậy lắm, và bạn e ngại việc lộ diện thì một chiếc khẩu trang có thể rất hữu ích", giáo sư Kwak nói.

Trước đây, khẩu trang y tế được xem là làm giảm sức hấp dẫn của người đeo vì chúng gây liên tưởng đến bệnh tật. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu công bố hôm 13/1 bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Cardiff, những chiếc khẩu trang màu xanh khiến mọi người trở nên hấp dẫn hơn.

 
chup anh deo khau trang anh 2

Nhiều người cho rằng việc đeo khẩu trang khiến người khác trông thu hút hơn. Ảnh:Independent.

Tiến sĩ Michael Lewis từ Đại học Cardiff cho biết điều này có thể là kết quả của mối liên kết giữa khẩu trang y tế với những người làm nghề chăm sóc sức khỏe.

"Chúng tôi cũng phát hiện rằng khuôn mặt được coi là thu hút hơn đáng kể khi đeo khẩu trang vải so với khi không đeo. Điều này có thể là do hiệu ứng của việc che đi một số phần không đẹp ở nửa dưới khuôn mặt".

Một nghiên cứu khác của Đại học Pennsylvania và Đại học Temple vào năm 2020 cũng cho thấy xếp hạng về mức độ hấp dẫn của khuôn mặt được cải thiện ở mức đáng kể đối với cả phụ nữ và nam giới khi họ đeo khẩu trang.

Một số bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ cho rằng việc che đi nửa dưới khuôn mặt bằng khẩu trang có thể giúp đánh lừa thị giác vì xương gò má, cằm và nhân trung - những bộ phận cần thiết để tạo ấn tượng tổng thể cho khuôn mặt - đều bị che đi.

Tuy nhiên, khi ngày càng nhiều người thận trọng với việc thể hiện bản thân, có thể sẽ có nhiều khoảng cách tâm lý hơn giữa mọi người.

“Với việc mọi thứ diễn ra trên mạng, đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, chúng ta ngày càng xa cách về mặt tâm lý, trở nên kém tin tưởng nhau hơn", giáo sư Kwak nói.

Theo Zing