"Anh ở nhà với con, em lên cửa khẩu xem người Việt mình từ Ukraine chạy sang thế nào", Thùy Anh, 22 tuổi ở thủ đô Warszawa nói với chồng hôm 25/2, một ngày sau khi chiến sự ở Ukraine nổ ra.

Giao được đứa con hai tuổi cho chồng, cô gái Việt sinh ra ở Ba Lan gọi cho năm người bạn thân bàn kế hoạch mua đồ cứu trợ. Sáng 26/2, nhóm tình nguyện chưa kịp đặt tên của Thùy Anh mỗi người một xe chạy 400 km lên cửa khẩu Medyka. "Thú thực chúng tôi chẳng có kế hoạch gì trong đầu, chỉ biết ở đó có người Việt mình cần giúp đỡ thì đi thôi", cô kể.

Đến cửa khẩu giáp biên giới Ukraine, nhóm của Thùy Anh chia nhau đến từng khu dành cho người tạm trú tặng quần áo ấm, hoa quả, động viên mọi người rồi lại quay về thủ đô khi trời đã gần sáng. Họ tắm rửa, thay đồ rồi lại quay lên biên giới. Đến cửa khẩu Medyka không có người Việt, cô lại lái xe sang cửa khẩu Dolhobyczów, cách 155 km. Chuyến này Thùy Anh bị lạc vào đường rừng không có đèn đường nên mất 5 giờ đồng hồ mới tới nơi.

Cô đón được hai người già và bốn trẻ con ở cửa khẩu Dolhobyczów rồi chạy một mạch từ 10h khuya đến 2h sáng đưa họ về nhà người thân ở thủ đô Warszawa. Sau chuyến đó nhóm của Thùy Anh kết nối với anh Phan Châu Thành, anh Tadek, tập hợp thành một nhóm hỗ trợ người Việt từ Ukraine sang Ba Lan lánh nạn.

Thùy Anh (bên phải) đón đoàn người Việt ở cửa khẩu Hrebenne, hôm 1/3. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Thùy Anh (bên phải) đón đoàn người Việt ở cửa khẩu Hrebenne, hôm 1/3. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Anh Thành, 44 tuổi, doanh nhân định cư ở Ba Lan từ năm 14 tuổi cũng đã cùng với những tình nguyện viên đến hỗ trợ đồng hương ở cửa khẩu Zosin từ hôm 25/2. "Đến nay, đã có 1,2 triệu người từ Ukraine sang đây tị nạn. Riêng người Việt mình có khoảng 3.000. Nhà tôi hiện tại cũng có 8 người đang ở", anh cho biết.

Nhóm của anh Thành và Thùy Anh chia nhau lập điểm đón tiếp người Việt ở ba cửa khẩu Przemyśl, Korczowa và Hrebenne. Tại mỗi điểm, họ đặt một xe đồ ăn, nước uống, quần áo ấm, lò sưởi, sim điện thoại để phát khi bà con vừa bước qua biên giới. Riêng Thùy Anh đảm đương hai nhiệm vụ, vừa trực ở điểm đón tiếp, vừa tham gia nhóm taxi miễn phí đưa người về các điểm họ cần.

Các tình nguyện viên thuê trọ ở luôn tại biên giới, thay nhau trực. Thùy Anh kể, những ca trực của cô thường kéo dài 45 tiếng, nghỉ khoảng 3-4 tiếng rồi lại tiếp tục 45 tiếng khác. "Trong tuần này, tôi chỉ được nghỉ bốn lần, mỗi lần ba tiếng", cô nói. Vài ngày, cô mới ghé qua nhà, đặt một nụ hôn lên má con và ôm chồng, rồi lại đi.

Từ vài người ban đầu, đến nay số thành viên trong nhóm tình nguyện của anh Phan Châu Thành đã tăng lên khoảng 200. Sau khi đọc tin tức về dòng người tị nạn, rất đông người Việt, người Ukraine, người Ba Lan liên hệ với anh để cùng lên biên giới. "Có những người Việt ở các nước khác chở hàng hóa đến góp. Người ở Nga, Đức, Pháp, Việt Nam không đi được thì chuyển tiền", anh Thành kể.

Cũng như Thùy Anh, hàng chục bạn trẻ thuộc thế hệ người Việt thứ hai ở Ba Lan ăn ngủ ở biên giới, xuyên đêm đón người, đứng phát đồ ăn dưới cái lạnh âm 4 độ C. Nhiều người 7h tối rời công sở, 2h sáng đã có mặt ở cửa khẩu để đưa đón người tị nạn rồi lại chạy xe xuyên đêm, cố về thành phố trước 7h sáng để đi làm công ty.

"Trước đây tôi nhìn đời có chút màu xám, nhưng lần này, tôi đã thay đổi. Mọi người có quan điểm khác nhau, cách thức làm việc khác nhau, nhưng đều cố dung hòa vì muốn giúp đỡ đồng bào lúc khó khăn", anh Thành nói.

Chuyến xe đưa người Việt từ Ba Lan sang Đức do nhóm anh Thành và các mạnh thường quân hỗ trợ. Ảnh: Phan Châu Thành

Chuyến xe đưa người Việt từ Ba Lan sang Đức do nhóm anh Thành và các mạnh thường quân hỗ trợ. Ảnh: Phan Châu Thành

Anh Lại Mạnh Tuấn, 35 tuổi, ở Kharkov di tản về Lvov rồi sang Ba Lan hôm 26/2. Gia đình anh có con hai tháng tuổi và ba tuổi. Hành trình di tản gian nan hơn khi bọn trẻ bị ốm, anh phải xếp hàng từ 8h sáng đến 11h trưa mới mua được thuốc, khi bom nổ gần bên. Xếp hàng cả buổi mới lên được tàu, họ bỏ lại mọi tài sản, rời quê hương thứ hai trong nỗi bất an. Kết nối được với nhóm anh Thành qua mạng xã hội, anh không ngờ được đón tiếp nồng hậu đến vậy.

"Họ cũng có gia đình, có công việc, nhưng đã gác lại để lên biên giới túc trực suốt ngày đêm giúp đỡ người không họ hàng, không quen biết như chúng tôi", anh nói. Đêm 9/3, anh Tuấn và gia đình đang trên chuyến xe buýt thứ hai do nhóm anh Thành hỗ trợ để sang Đức, bắt đầu trang mới của cuộc đời.

Anh Nguyễn Quốc Bình cùng vợ chồng chị Toán- anh Khấn (quê Nghệ An) và con nhỏ 5 tháng tuổi di cư từ Ukraine sang Ba Lan, tối 1/3/2022. Gia đình họ cùng người phụ nữ Việt đi cùng đã được anh Bình giúp đỡ. Ảnh:Quốc Bình.

Anh Nguyễn Quốc Bình (ngoài cùng bên phải) cùng gia đình chị Toán, anh Khất (quê Nghệ An) và con nhỏ 5 tháng tuổi di cư từ Ukraine sang Ba Lan, tối 1/3/2022. Ảnh:Quốc Bình.

2h sáng ngày 1/3, điện thoại đổ chuông, anh Nguyễn Quốc Bình, 50 tuổi, lao khỏi nhà, thẳng đến nhà ga Katowice. Ngoài trời lúc này mưa tuyết lớn, nhiệt độ xuống âm 4 độ C. Phía cổng ga, người đàn ông gốc Hải Dương đứng chờ trong cái lạnh tê tái, tranh thủ gặm chiếc bánh mì, chờ vợ chồng chị Toán, anh Khất chạy từ Ukraine sang. Họ đều là công nhân, không biết tiếng bản địa, không có tiền, lại kèm con nhỏ 5 tháng tuổi. Sau hai tiếng chờ đợi, gia đình họ xuất hiện. Nhìn đứa bé với đôi môi tím tái vì lạnh ngủ oặt trên tay người mẹ, Bình rớt nước mắt.

"Trước đó, tôi công khai số điện thoại riêng, trực 24/24h để thông tin, tư vấn cho bà con tị nạn cũng như cập nhật thông tin, chia sẻ những nơi có người cần giúp đỡ", Nguyễn Quốc Bình, chủ chuỗi cửa hàng ăn tại thành phố Katowice, Ba Lan nói. Đêm đó anh đón được 4 người, trong đó có em bé 5 tháng tuổi.

Không có điều kiện để lập nhóm nhưng ngay khi chiến sự nổ ra, anh Bình đã một mình hỗ trợ đồng bào bằng cách đón tiếp, cung cấp chỗ ăn ngủ miễn phí. Sau 23 năm sống ở Ba Lan, anh có vài cửa hàng ở các tỉnh, có thể giúp tối đa 10 người, đồng thời xin thẻ cư trú, tạo việc làm cho những người có nhu cầu.

Ngày hôm sau, hàng chục cuộc gọi cầu cứu dội vào điện thoại anh Bình. Dù cả đêm trước thức trắng, chiều hôm sau, anh lại chất đầy thực phẩm trong xe, chạy hơn 400 km lên biên giới. Giữa đường quá mệt, anh phải ngủ trên ô tô vài tiếng mới có thể tiếp tục hành trình. Hai giờ sáng ngày 2/3, anh mới đến được cửa khẩu đầu tiên.

Khu vực biên giới có năm cửa khẩu, cách xa nhau. Chưa từng đến khu vực này nên anh bị lạc đường, chạy đi chạy lại mấy lần khi người cần giúp liên tục thay đổi địa điểm. Có đoàn đến nơi thì đổi ý, muốn đón tàu đến Warszawa. "Thế là tôi lại đưa họ đến nhà ga Przemysl để đón tàu đi thủ đô. Có đoàn tôi mua vé giúp, bỏ thêm chút tiền cá nhân coi như giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn", anh Bình nói.

Ngày 9/3, người đàn ông Việt lại gác công việc sang một bên, đón đoàn 5 người Việt từ Warszawa đến Katowice tị nạn. Anh bảo trong thời gian hỗ trợ đồng hương, bản thân đã "tìm thấy ý nghĩa cuộc đời".

Khi nhóm tình nguyện viên hỗ trợ người Việt đông dần, Thùy Anh âm thầm rút khỏi bàn đón tiếp để trở thành một tài xế toàn thời gian. Cô kết nối với mọi người trên mạng xã hội, không kể người Việt hay bản xứ, cứ từ Ukraine sang là sẵn sàng lên đường đưa đón.

"Tôi chẳng phải anh hùng gì cả. Với tôi, những người vượt qua hành trình bom đạn để đến được đây mới là những anh hùng", Thùy Anh nói.

Anh Phan Châu Thành cho biết, hỗ trợ đồng bào, anh thấy mình nhận được nhiều hơn cho đi. Bà con nói cảm ơn, anh thường bảo: "Hẹn ngày chiến tranh kết thúc, chúng ta ngồi với nhau ở Ukraine bình yên, lúc đó nói cảm ơn cũng chưa muộn".

Theo vnexpress