Từ bàn tay trắng với công việc trong ngành giáo dục, vợ chồng tôi cùng tạo dựng lên cuộc sống ngày hôm nay; hiện có nhà, tiền tiết kiệm, nuôi hai con học trường quốc tế, thu nhập đảm bảo cuộc sống.

Theo đánh giá của mọi người, tôi có ngoại hình dễ nhìn, biết chăm sóc bản thân, trẻ so với tuổi, nấu ăn ngon, biết kiếm tiền, giao tiếp tốt, lạc quan vui vẻ, thân thiện và ấm áp, biết chăm sóc gia đình và nuôi dạy con. Có thể nói tôi là mẫu phụ nữ của gia đình. Ba mẹ ly hôn khi tôi còn nhỏ nên tuổi thơ rất cơ cực, tôi tự lập sớm.

Ảnh minh hoạ

 

Chồng tốt tính nhưng nóng tính và gia trưởng, có điều gì không hài lòng về vợ là sẵn sàng miệt thị, chì chiết và xúc phạm gia đình vợ dù họ không đụng chạm hay nhờ vả gì mình. Gia đình anh có nhờ chúng tôi, nguyên tắc của tôi là không ý kiến, không bày tỏ thái độ việc chồng giúp nhà anh. Lúc con còn nhỏ, tôi có nhờ em gái mình chăm cháu và trả lương như bao người làm công trong gia đình. Em tôi nghỉ học sớm do hoàn cảnh nên khi về ở cùng chúng tôi, anh động viên em học hết phổ thông và việc này được anh kể đi kể lại nhiều lần, ý là tôi và nhà tôi phải hàm ơn anh. Nay em tôi đã có cuộc sống độc lập 7 năm rồi.

Ngược lại, tôi chưa bao giờ có lời không hay về gia đình anh hoặc xúc phạm cha mẹ anh. Việc nhà anh bảo sao tôi làm vậy, không ý kiến hay thái độ gì. Việc gì không hài lòng tôi chỉ nói nhẹ nhàng, ngắn gọn và không bao giờ nhắc lại. Anh ngược lại hoàn toàn, sẽ nói đi nói lại. Anh không phạm vào tứ đổ tường sau kết hôn, chịu khó làm ăn, phụ giúp việc nhà, không muốn vợ vất vả. Bình thường vui vẻ, mẹ con tôi muốn gì cũng được; anh rất tiết kiệm cho bản thân nhưng với vợ con lại chịu chi. Có thể nói thế giới của anh chỉ có vợ con.

Có một lần bị anh miệt thị, tôi thực sự sốc vì không ngờ những ngôn từ ấy phát ra từ người có ăn có học; tôi nghiêm túc nhắc nhở và cảnh báo anh. Nguyên nhân chính của những lần miệt thị hay đánh đập vợ là do tôi không chiều anh trong chuyện chăn gối. Anh nhu cầu rất cao, tôi không thể đáp ứng; cũng do một phần bị anh nhiều lần làm tổn thương nên tôi không cảm thấy thoải mái khi ở bên canh hoặc tỏ thái độ cho hả giận. Anh đã quan hệ với nhiều người trước hôn nhân mà kết hôn xong tôi mới biết. Anh đem những trải nghiệm ấy so sánh với vợ. Nếu tôi vui vẻ cho anh thỏa mãn thì gia đình vui vẻ, ngược lại anh có thể chửi vợ tới sáng.

Trong gia đình, anh kiếm tiền giỏi hơn nên giữ quan điểm tôi ăn bám, trong khi tôi kiếm tiền không ít. Anh không thích du lịch, chỉ có mẹ con tôi đi với nhau. Anh suy nghĩ là đã cho mẹ con tôi đi, về có điều gì không ưng ý sẽ đem quyền lợi ấy ra chì chiết. Hai con nhiều lần chứng kiến nên dần không thích đi nữa. Anh không thích giao du kết bạn, kể cả tiệc tùng gặp gỡ họ hàng anh. Anh nói do mẹ con tôi làm anh nhục nhã, mất mặt nên không muốn đi gặp mọi người. Việc này là do căn bệnh đổ thừa của anh, bởi con tôi luôn được mọi người khen ngợi vì lễ phép, ngoan ngoãn, thông minh, ngoại hình dễ nhìn. Anh xem thường cả mẹ đẻ anh dù theo tôi bà không làm gì sai. Tôi thấy mình còn kính trọng mẹ anh hơn anh. Anh không qua lại với gia đình vợ và không thích con qua lại. Họ hàng của tôi và anh giờ không ai đến nhà chúng tôi vì ngại anh.

Anh có thể bắt vợ con ngồi nghe chửi hàng tiếng đồng hồ. Nếu tôi nín nhịn thì anh chỉ chửi. Nếu tôi trả lời lại, dù không hỗn anh sẽ động tay động chân. Mỗi lần một trong hai con có lỗi là anh sẽ bắt 3 mẹ con ngồi nghe. Điều làm tôi trăn trở cho quyết định ly hôn là con trai lớn nói: "Sao mẹ không bỏ quách cho xong. Nhiều lần thấy ba chửi đánh mẹ con muốn cha mình không tồn tại. Con khinh thường và căm ghét ba vì ba đối xử tệ với mẹ". Con vốn là đứa bé ngoan, luôn nằm trong top 3 của lớp dù không dành nhiều thời gian cho việc học và vợ chồng tôi không áp lực thành tích. Câu nói của con làm tôi suy nghĩ nhiều. Anh rất thương và có trách nhiệm với con. Trước con con nhỏ, anh đánh con mà có những trận đòn chúng còn ám ảnh đến giờ. Tôi nghĩ anh có vấn đề về tâm lý vì cha mẹ cho anh xa gia đình từ bé, ở nhờ nhà họ hàng đi học. Qua những câu chuyện anh kể, tôi cảm giác anh chịu tổn thương nhiều từ việc này và trong tiềm thức có điều gì đó oán trách người thân. Bây giờ anh không còn là bạn của tôi; tôi không chia sẻ điều gì với anh vì khi không vui anh sẽ dùng những tâm sự ấy "đâm" lại tôi. Họ hàng thân thiết mất, tôi ở xa không về viếng được nên nói anh đi thay, anh nói: "Có quen biết gì, về biết nói chuyện với ai".

Tôi phân vân việc ly hôn vì tiền tiết kiệm riêng chỉ đủ cho mọi chi phí của 3 mẹ con trong 2 năm. Chia tài sản sẽ không đủ để tôi mua căn nhà vừa là chỗ làm, vừa để ở. Vợ chồng làm chung nên nếu ly hôn anh nói sẽ giữ cơ sở làm ăn và đưa tiền ½ căn nhà vừa là chỗ ở vừa làm việc để 3 mẹ con tôi đi, cộng thêm tiền tiết kiệm chia đôi. Điều này có nghĩa là tôi sẽ làm lại từ đầu, không biết được liệu thu nhập sẽ ra sao khi dịch bệnh như thế này. Liệu tôi có đủ sức lo cho học học tiếp môi trường học tập như hiện tại? Hai con là trai, người làm mẹ như tôi có làm tốt công việc dạy dỗ con? Do đặc thù công việc, chúng tôi hợp tác thu nhập sẽ tốt và bền vững hơn. Còn anh sẵn cơ sở làm ăn, mọi thứ vẫn ổn định: nhà có, thu nhập có. Tôi lo con sẽ ảnh hưởng tiêu cực từ những xung đột gia đình. Với tôi con là sinh mệnh. Đứa lớn nói sẽ theo mẹ dù mẹ không có tiền đi nữa. Tôi lờ mờ thấy con né tránh ba và trong lòng có sự thiếu tôn trọng, ghét bỏ xem thường. Tuổi ngày càng lớn, tôi không thể đáp ứng nhu cầu của anh. Càng khởi nghiệp muộn tôi sẽ gặp khó nhiều hơn. Trong lòng tôi luôn khát khao một người bạn đồng hành, trải nghiệm cuộc sống với mình. Tôi đã trao đổi với anh nhiều nhưng vô ích. Phải làm sao đây?

Theo vnexpress