Ngân vốn có kết quả xuất sắc ở tất cả các môn. Bố mẹ cho em học thêm đàn guitar, piano cùng các kỹ năng mềm khác với mong muốn con có nền tảng vững chắc, bứt phá so với bạn bè.

Tuy nhiên, một thời gian sau, cô bé thường xuyên rơi vào trạng thái học trước quên sau, mất tập trung, học lực cũng từ đó sa sút. Sợ thua kém bạn bè và khiến bố mẹ thất vọng, Ngân cố gắng nhồi nhét kiến thức song không những không hiệu quả mà còn cảm thấy mệt mỏi, đau đầu hơn. Lâu dần, em sinh ra chán nản, sống thu mình, cảm thấy việc học vô nghĩa. Ngân tìm thấy niềm vui trên mạng xã hội nên ôm điện thoại 24/24 giờ, bỏ bê học hành.

Câu chuyện về Ngân được bác sĩ Nguyễn Hồng Bách, Giám đốc Trung tâm Tâm lý lâm sàng Dr Bee, chia sẻ với VnExpress hôm 1/6. Chứng kiến sự tụt dốc của con gái, cha mẹ của cô sốc và bất lực. Không biết phải xử lý vấn đề của con như thế nào, bố mẹ mắng mỏ và gây sức ép buộc con theo ý mình. Tuy nhiên, tình hình không cải thiện, người mẹ buồn chán, bỏ bê công việc, lo lắng suy nghĩ tìm cách giải quyết vấn đề của con. Lâu ngày, chị mất ngủ, phải dùng thuốc an thần. Gia cảnh căng thẳng khiến người bố mệt mỏi, thiếu năng lượng, dễ nổi nóng và khó chịu với những việc nhỏ nhặt. Cuối cùng, bố mẹ dẫn Ngân đến gặp bác sĩ tâm lý để điều trị, cùng với đó là giải quyết vấn đề tinh thần cho chính họ.

Bác sĩ Bách kể lại, đôi vợ chồng chia sẻ họ có dấu hiệu mất động lực sống, không muốn giao tiếp với bạn bè, đồng nghiệp, mất ăn, mất ngủ, thường xuyên có những suy nghĩ tiêu cực về bệnh tình, về tương lai của con. "Muốn lại gần con trò chuyện thì càng bị con đẩy ra xa hơn, nên họ vô cùng bất lực", ông Bách nói.

Trong sự nghiệp của mình, ông thường tiếp xúc các khách hàng trong trạng thái tương tự: Con gặp vấn đề tâm lý, kéo theo cha mẹ chịu khủng hoảng tinh thần. Theo ông Bách, cha mẹ hay dạy con theo truyền thống cũ, với những trải nghiệm họ đã trải qua trong thời thơ ấu của mình. Trong khi đó, bối cảnh xã hội hiện nay đã thay đổi so với hàng chục năm trước nhưng bố mẹ không cập nhật xu hướng của giới trẻ, không chịu trò chuyện để hiểu con cái mình, giữa hai thế hệ xảy ra xung đột.

Thay vì đồng cảm và chia sẻ, cha mẹ lại áp đặt, tạo áp lực về học hành, điểm số... "Khi con không đạt được như ý muốn thì bố mẹ mắng nhiếc, sinh ra chán nản, buồn khổ, tạo năng lượng tiêu cực làm cho con cái cảm thấy không còn chỗ dựa vào, các rối loạn tâm lý càng trầm trọng hơn", bác sĩ giải thích.

Bác sĩ ví dụ một trường hợp khác là Hùng, học lớp 9 ở Hà Đông, nghiện game từ năm lớp 7. Khi bố mẹ cấm đoán, Hùng nổi điên, mắng chửi, đập phá, hoặc chống đối bằng cách im lặng. Lúc nào em cũng thu mình trong không gian riêng, thường xuyên bỏ học.

Trong hai năm, bố mẹ từ nhẹ nhàng khuyên bảo đến mắng chửi, bắt nhốt con mà tình hình không cải thiện. Người mẹ sa sút tinh thần, mệt mỏi, lo lắng, đau đầu, hay suy nghĩ luẩn quẩn, ngủ không yên giấc. Cảm xúc của chị cũng bất ổn, buồn vui vô cớ và trở nên cực kỳ nhạy cảm đối với những lời chê trách, trêu chọc, đôi lúc xuất hiện các suy nghĩ tiêu cực. Chị sụt cân nhanh, sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng, có dấu hiệu bệnh đau dạ dày, tim mạch... Bác sĩ cho biết vì quá lo nghĩ cho con khiến chị bị rối loạn tinh thần và thể chất.

Nhiều trẻ vị thành nieein bị rối loạn tâm lý khiến cha mẹ bị khủng hoảng. Ảnh: Stuff

Nhiều trẻ vị thành niên bị rối loạn tâm lý khiến cha mẹ khủng hoảng theo. Ảnh: Stuff

Theo bác sĩ Bách, để giải quyết câu chuyện "khủng hoảng kép", cách tốt nhất là cha mẹ phải cùng với con đến gặp bác sĩ tâm lý để có hướng điều trị. Trong đó, với hình thức tâm lý tham vấn, chuyên gia sẽ lắng nghe tâm sự của bệnh nhân, tìm giải pháp giải quyết vấn đề. Cách thứ hai là tâm lý lâm sàng, tức can thiệp trực tiếp vào não bộ người bệnh qua các sóng, năng lượng và một số liệu pháp khác như thôi miên... để nhìn ra trạng thức cụ thể. Một số trường hợp vượt qua trạng thức tâm lý, diễn biến tiền bệnh lý tâm thần thì cần gặp các bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được điều trị hiệu quả.

Để chăm sóc con cái bị vấn đề tâm lý, cha mẹ nên giữ bình tĩnh, dành thời gian quan sát con kỹ lưỡng từ hành vi đến lời nói. Phụ huynh cũng cần nhìn nhận lại bản thân, suy xét xem mình đã có hành vi và lời nói như thế nào để dẫn con đến tình trạng như vậy. Một số hành vi của cha mẹ có thể tác động tiêu cực đến tâm lý con như: Ít tâm sự, dùng áp lực tại chỗ khi không vừa lòng, chiều chuộng thái quá và đáp ứng mọi yêu cầu khiến con càng lún sâu vào đòi hỏi, từ đó hình thành thói chống đối đến cùng để bảo vệ điều con muốn.

Ở tuổi dậy thì, não bộ và các hệ cơ quan trong cơ thể trẻ dễ bị mất cân bằng và khi đã gặp khủng hoảng thì rất khó khăn để điều chỉnh trở lại bình thường. Theo bác sĩ Bách, có những bệnh nhân gặp vấn đề tâm lý phải điều trị 2-3 tháng, song cũng có trường hợp mất vài năm. Việc điều trị không mang tính chất liên tục, cần kết hợp tâm lý song hành, thời gian chữa lành phụ thuộc vào trạng thức và nhận thức của trẻ cũng như sự phối hợp của gia đình. "Do đó, bố mẹ phải rất kiên trì trong hành trình này", bác sĩ Bách nói.

Theo vnexpress