Đâu là những cách dạy con biết chịu trách nhiệm cho các hành vi của mình ngay từ khi còn nhỏ?

Thời điểm nào thích hợp nhất để dạy trẻ ?

Chuyên gia khai vấn (Lifecoach) Nhã Khuê, Giám đốc cấp cao Học viện Lifecoach Quốc tế Gein Academy, cho rằng thời điểm thích hợp nhất để giáo dục trẻ thành người sống có trách nhiệm, chịu trách nhiệm cho hành động của mình không phải là chờ trẻ tới 8 tuổi - khi trẻ đã định hình nhân cách; cũng không phải là chờ trẻ sau 3 tuổi - khi trẻ đã được định hình ngôn ngữ. Thời điểm thích hợp nhất là khi trẻ từ 1 tuổi trở lên - khi trẻ bắt đầu vào giai đoạn khám phá thế giới, biết đi đứng, khám phá nhiều hơn môi trường xung quanh.

Dạy con biết chịu trách nhiệm như thế nào? - Ảnh 1.

Cần giáo dục trẻ sống có trách nhiệm từ khi còn nhỏ

MINH NAM

Thạc sĩ tâm lý học Quang Thị Mộng Chi, giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng để dạy con trẻ tự chịu trách nhiệm cho hành động của mình, cha mẹ hãy để cho trẻ tự quyết ở một số việc nhỏ. Bên cạnh đó, cha mẹ chỉ phân tích cho trẻ biết nếu làm theo ý trẻ thì sẽ như thế nào, còn có những cách gì khác tốt hơn không. Nếu trẻ làm theo ý mình mà gặp những bất lợi gì thì trẻ phải tự chịu trách nhiệm.

"Đặc biệt, không đổ lỗi cho người khác với những việc làm mà con đã gây ra, dù là đổ lỗi cho cái bàn, cái ghế… nếu bé bị vấp té hay va đầu trúng. Người lớn cần cho trẻ thấy khi bị đau vì va vấp vào vật khác phải học cách để ý xung quanh. Như vậy, ngay từ khi trẻ còn rất nhỏ, khi các bé có những khả năng tự vận động đầu tiên cha mẹ đã có thể dạy con những việc này", thạc sĩ Mộng Chi nói.

Đừng tranh làm hết việc cho con

Theo chuyên gia khai vấn Nhã Khuê, thông thường cha mẹ, ông bà gần như dành mọi sự tập trung vào đứa trẻ, rất dễ khiến cho con trẻ thấy mình như "cái rốn" của vũ trụ. Để trẻ phân định được đúng sai, biết chịu trách nhiệm cho hành động của mình, phụ huynh cần cứng rắn hơn trong hành trình giáo dục con.

"Trẻ em như những mầm non, trẻ phát triển dựa vào sự làm gương của người lớn. Cha mẹ cần làm gương, nói được, làm được. Mình va vào người khác thì mình cần xin lỗi trước. Cha mẹ cũng cần dạy con phân biệt được đúng sai, ngồi xuống giải thích cho con hiểu và thói quen này cần được lặp lại vài lần. Chính sự kiên nhẫn, đồng hành nhận diện đúng sai này cũng định hình sự bình tĩnh nơi con", chuyên gia khai vấn nói.

Cũng theo chị Nhã Khuê, để dạy con sống có trách nhiệm, biết chịu trách nhiệm cho hành động của mình thì phụ huynh đừng tranh hết việc của trẻ. Nên giao cho con từng việc phù hợp độ tuổi để trẻ thấy mình được gắn trách nhiệm trong đó. Trẻ từ 1 tuổi có thể giao cho con tự dọn đồ chơi, cho con chọn quần áo để mặc, giày để đi. Con lớn hơn một chút, cha mẹ có thể cho con phân loại giày dép, quần áo đi giặt. "Khi con là người bình tĩnh, biết phân định đúng sai, biết chịu trách nhiệm, ba mẹ biết làm gương, con sẽ trở thành người sống hết sức có trách nhiệm", chị Nhã Khuê trao đổi.

Dạy con biết chịu trách nhiệm như thế nào? - Ảnh 2.

Giáo dục trẻ em là một hành trình dài cần sự kiên nhẫn, bền bỉ, bao dung và yêu thương

THÚY HẰNG

Đánh, quát mắng trẻ trước mặt người khác là sai lầm

Chuyên gia khai vấn Nhã Khuê nhấn mạnh điều đó. Theo chị, có một số phụ huynh khi thấy con mình bị phê bình vì lỗi nào đó thì bênh vực con "trẻ con mà, nó có biết gì đâu". Nhưng cũng có một số người ngay lập tức la mắng, đánh đập con trước mặt người góp ý.

"Cả hai cách đều là sai lầm. Cách thứ nhất đã cổ súy cho con làm sai, khiến con không phân định được đúng sai, ảnh hưởng tới xu hướng phát triển của con sau này. Cách thứ hai thể hiện sự bất lực trong giáo dục con cái của chính mình", chị Nhã Khuê nói.

Cô Lâm Yến Phương, giáo viên tiếng Anh tại Tây Ninh (một trong 68 giáo viên được tôn vinh trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2022), cho biết: "Tôi cũng từng gặp nhiều trường hợp học sinh vi phạm nội quy, khi mời phụ huynh đến trường, câu đầu tiên phụ huynh bênh vực con "con còn nhỏ chưa biết gì" và đổ lỗi cho giáo viên, cho nhà trường chứ không nhận lỗi về phía gia đình đã giáo dục con ra sao. Đứa trẻ học được rất nhiều từ chính cách cư xử của người lớn, của cha mẹ, người thân với những người xung quanh. Phụ huynh cư xử như vậy, sao có thể làm gương, nuôi dạy các con nên người", cô Phương trao đổi.

Dạy con từ những câu chuyện đẹp
Bà Chu Hồng Vinh, người mẹ có 5 người con ở Q.Tân Bình, TP.HCM (con gái đầu đang là du học sinh tại Úc, con gái thứ hai mới đây trúng tuyển 7 ĐH Mỹ với học bổng nhiều tỉ đồng) có cách dạy con từ chính những bài hát ru và những câu chuyện đẹp.
Cả 5 người con của bà Vinh đều lớn lên từ những bài hát ru và ca khúc chan chứa tình yêu thương của mẹ, đặc biệt là ca khúc Mẹ yêu con của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tí. Khi các con lớn lên một chút, trong những bữa cơm, khi ngồi dạy các con học bài, bà Vinh kể cho con nghe nhiều câu chuyện nhỏ có những thông điệp ý nghĩa về bài học cuộc sống. “Uốn cây từ thuở còn non, dạy con cũng phải từ khi còn nhỏ. Mỗi ngày một chút, những câu chuyện nhỏ tôi kể cho con nghe giúp con hình thành nhân cách sống tốt đẹp, kỷ luật sống, cách đối nhân xử thế khi chúng bước ra ngoài, biết nhận lỗi và sửa lỗi”, người mẹ của những nữ sinh tài năng chia sẻ. 

Theo Thanh niên