leftcenterrightdel
 Nhiều đứa trẻ nghĩ tới cái chết để giải thoát mình khỏi những bất hạnh (Ảnh minh họa)

Thực tế, nhiều đứa trẻ bị bỏ rơi trong suốt giai đoạn cha mẹ lục đục, cho đến khi đi đến ly hôn. Thậm chí có em suốt thời thơ ấu ám ảnh bởi những tranh cãi chia chác tài sản, quyền và nghĩa vụ nuôi con.

Khi người lớn rơi vào vòng xoáy cãi vã hay chiến tranh lạnh, bản thân họ không đủ tỉnh táo, tâm hồn không còn nhiều chỗ trống để quan tâm, chăm sóc các con. Đứa trẻ tự bơi trong những hỗn độn tinh thần, lạc lõng, cô đơn và sợ hãi.

Chị H.N. là một trường hợp như vậy. Dù đã là người trưởng thành, suy nghĩ thấu đáo nhưng chị H.N. vẫn đau đớn khi chia sẻ câu chuyện đời mình: “Bố mẹ tôi ly hôn từ khi tôi còn nhỏ. Tôi đã từng tự tử và không muốn mình được sinh ra. Bố mẹ luôn nghĩ rằng họ chẳng làm gì sai và coi thường suy nghĩ của trẻ nhỏ”.

Chung cảm xúc vì hoàn cảnh tương tự chị H.N., phải rất chật vật đấu để vượt qua khắc nghiệt của cuộc đời mình, anh V. thừa nhận: “Công nhận rằng việc cha mẹ ly hôn đã ảnh hưởng đến tâm lý và các mối quan hệ của tôi. Nhiều lúc tôi rất chán chường và từng có ý định tự tử nhưng nghĩ lại tôi không còn cách nào khác ngoài cố gắng”.

Những câu hỏi như xoáy vào tim của những người làm công tác nâng đỡ tinh thần, tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình như chúng tôi suốt bao năm qua là: “Bao nhiêu ông bố, bà mẹ chịu hiểu rằng những sang chấn trước và sau ly hôn có thể là chiếc mắc cài trong tâm lý trẻ suốt đời, khó có thể cởi bỏ?”, “Những góc tối trong lòng đứa trẻ ở những gia đình tan vỡ có mấy người làm cha làm mẹ hiểu và thấu cảm, sẻ chia với các con?”.

Một lần, tôi tiếp một bà mẹ trẻ vừa ly hôn. Chị C.T. (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) trăn trở về những tổn thương tâm lý của con trai: “Em rất muốn tìm cách cứu vãn quá khứ và giải thích cho đứa con lớn đang học lớp Bốn rằng, ba mẹ không chung quan điểm, chung suy nghĩ và không thể sống bên nhau tốt nữa, nên chọn cách ly hôn. Em hiểu con em đã chịu đựng những lần cha mẹ cãi vã, thậm chí đánh nhau trước mặt con, làm con sợ hãi. Con ít nói, con ghét mẹ hơn ba, vì con ngủ chung với ba, được ba chiều chuộng hơn. Con muốn sống với ba vì ba cho con chơi game, xem điện thoại và dắt con đi mua thứ con thích, không nhắc con học bài. Em rất buồn vì đã làm con tổn thương khi cãi vã với chồng, cũng như không chuẩn bị tâm lý cho con trước khi ly hôn và rất lo lắng cho tương lai của bé khi ở với ba - một người hay say xỉn, không biết cách giáo dục con, chỉ chiều chuộng làm hư con. Giờ em phải làm sao?”.

Tôi dành rất nhiều thời gian để gặp mẹ bé trong nhiều phiên để tư vấn, hỗ trợ tâm lý. Có thể nhận định rằng, khá ít trường hợp phụ huynh tìm cách đối diện và giải quyết “hậu quả” hậu ly hôn liên quan đến con cái. Hoặc vì họ không nhận thấy hậu quả hoặc vì ngại, không muốn mang câu chuyện mình ra cho người khác biết…

Hậu quả do ly hôn mang lại có thể tấn công/ảnh hưởng đến đứa trẻ ở nhiều khía cạnh. Đơn cử như trẻ hạn chế giao tiếp, cảm nhận tổn thương, mất mát và cô đơn ngay trong nhà mình, không muốn nói gì với ai.

Những lần cãi vã, đánh nhau, xung đột của cha mẹ sẽ in sâu trong tâm trí trẻ khiến trẻ hoặc cảm thấy bất an sợ hãi, hoặc sẽ phản ứng gây gắt nếu thấy những trường hợp tương tự; hoặc sẽ dần dần ngấm vào hành vi, nhận thức của trẻ ít nhiều có thể dẫn đến nguy cơ trở thành người bốc đồng, bạo lực. Một số trẻ vì cảm thấy thiếu an toàn, bất lực và chán nản nên đã có ý định hoặc lên kế hoạch tự tử để khỏi phải đau đớn vì những đổ vỡ của gia đình.

Vụ việc bé V.A. nghi bị nhân tình của bố bạo hành dẫn đến tử vong để lại nỗi đau xót trong lòng người thân, họ hàng và cả cộng đồng. Có thể nói, một phần của kết cục này cũng vì thiếu vắng tình thương của mẹ, sự thờ ơ của người cha.

Sự ra đi của con là tiếng chuông cảnh tỉnh những ai đang có ý định ly hôn, với những ai đã ly hôn, về việc quan tâm đến tinh thần con trẻ, cũng như việc chọn người cùng bước tiếp sao cho “lành” với cuộc sống của mình, của con. 

Theo phunuonline