leftcenterrightdel
 Minh Thư hiện học năm cuối ngành Marketing của APU, Nhật Bản. Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

Thái Minh Thư, 22 tuổi, hiện là sinh viên năm cuối ngành Marketing, Đại học Châu Á Thái Bình Dương Ritsumeikan (APU) ở thành phố Beppu, thuộc tỉnh Oita, trên đảo Kyushu, Nhật Bản. Gần bốn năm ở đây, nữ sinh Sài Gòn trải qua nhiều việc làm thêm nhưng dọn dẹp trong khu tắm onsen là công việc cô gắn bó lâu nhất.

Năm 2018, Thư du học Nhật Bản nhưng không biết tiếng do trường chỉ yêu cầu điểm IELTS đầu vào. Chương trình học của cũng bằng tiếng Anh nên Thư không chuẩn bị về tiếng Nhật.

Sau sáu tháng học tiếng Nhật ở trường, Thư bắt đầu tìm việc làm thêm để có tiền trang trải sinh hoạt phí. Tình cờ đọc được mẩu tin tuyển sinh viên quốc tế cho một sự kiện ghi hình để quảng bá onsen trên mạng, Thư quyết định tham gia.

Lần đó, qua một người anh khóa trên đã làm cho khu onsen này giới thiệu, Thư được nhận vào làm. Beppu là thành phố nổi tiếng về onsen ở Nhật. Các nhà tắm có ở khắp thành phố này. Những khu onsen nhỏ dành cho người địa phương thường không tuyển công khai hay thuê người nước ngoài. Do đó, sinh viên quốc tế ít biết đến công việc ở những nơi này. Họ phần lớn thích tìm việc ở nhà hàng, quán ăn, siêu thị hay cửa hàng thời trang.

Nhiệm vụ của Thư là cọ rửa hai bồn tắm với một bồn ngâm chân ở ngoài, lau dọn và xếp khăn lau chân. Thư được trang bị một máy phun nước và mỗi lần làm, chỉ cần lắp vòi, lắp súng rồi xịt nước rửa từ trong bồn tới sàn tắm. Nhiều khi máy trục trặc, không mở lên được hoặc vòi bị rách, nữ sinh phải dùng chổi cọ từng viên gạch.

leftcenterrightdel
Bồn tắm onsen dành cho nữ nơi Thư làm việc ở thành phố Beppu. Ảnh: Nhân vật cung cấp 

Dọn xong trong phòng tắm, Thư chuyển sang quét dọn ở phòng thay đồ và trải thảm lau chân. Phòng tắm này mở cửa lúc 11h, do đó, mọi công việc vệ sinh phải hoàn thành trước 9h30. Hàng ngày, Thư dậy từ 7h, đạp xe 20 phút để tới chỗ làm. Một tuần Thư làm bốn ngày, nhận lương 1.000 yen (hơn 220.000 đồng) một ngày và được tắm onsen miễn phí. Em là nhân viên dọn dẹp duy nhất ở đây.

Những ngày đầu mới làm, Thư xấu hổ do không quen với văn hóa tắm onsen ở nơi công cộng. Khó khăn lớn nhất với em là súng bắn nước nặng và khó điều khiến theo ý muốn. Những hôm mùa đông rét buốt, việc ra khỏi nhà để đến chỗ làm lúc sáng sớm cũng khiến Thư nản lòng. Khi đã quen, Thư hoàn thành công việc trong khoảng 40 phút, thay vì một tiếng như lúc đầu.

Công việc phù hợp với khả năng tiếng Nhật chỉ đủ nói vài câu đơn giản của Thư lúc đó. Thư cho hay, việc lau dọn không quá khó, cũng không đòi hỏi tiếng Nhật giỏi hay kỹ năng giao tiếp với khách. Làm ở đây lâu, Thư có nhiều sự kết nối với người dân địa phương. Trông thấy em, hàng xóm thường gọi với cái tên thân mật "cô bé onsen".

Thư cũng được bác chủ phòng tắm quý mến, thường xuyên cho quà bánh và sẵn sàng làm giúp khi em xin nghỉ. "Bác là chủ tịch hội du lịch onsen của thành phố, hay tổ chức các sự kiện ở địa phương. Mỗi lần có chương trình, bác thường dẫn em theo cùng", Thư nói.

Nữ sinh được tham gia nhiều workshop về lịch sử thành phố và onsen. Những trải nghiệm đó giúp Thư cải thiện tiếng Nhật nhanh chóng và có kiến thức về văn hóa. Em cũng từng tổ chức hai sự kiện chợ văn hóa, có sự tham gia của nhiều du học sinh cùng lớp, tại chỗ làm, thu hút người dân địa phương đến tham quan, mua đồ.

"Đó là những cơ hội học tập quý giá cho em. Em được trải nghiệm văn hóa và học cách tổ chức sự kiện liên quan đến du lịch onsen", Thư chia sẻ.

Ngoài onsen, hiện Thư làm phụ bếp ở viện dưỡng lão, dạy tiếng Anh, tiếng Việt cho người Nhật. Mỗi tháng, Thư có thu nhập khoảng 10 triệu đồng, giúp em đủ chi tiêu.

Du học sinh Việt cho biết có ba cách phổ biến để tìm việc làm thêm ở Nhật: nhờ anh chị khóa trước giới thiệu, mang CV đến nộp trực tiếp hoặc xin qua các ứng dụng hay website tuyển dụng. Thư thường áp dụng hai cách đầu và có hiệu quả 80%.

Tuy nhiên theo Thư, trước khi tìm việc ở Nhật, du học sinh cần sẵn sàng tâm lý đi làm để khi đối diện công việc áp lực, khó khăn sẽ dễ dàng vượt qua. Ngoài ra, các bạn cũng cần trang bị vốn tiếng Nhật tối thiểu.

"Khi chưa đủ lưu loát, bạn có thể chọn việc ít phải giao tiếp. Nếu tiếng Nhật đã ổn, muốn thử thách bản thân thì có thể làm ở siêu thị, quầy thu ngân - những nơi rèn luyện cho bạn cách nói chuyện, giúp giỏi tiếng Nhật nhanh", nữ sinh 22 tuổi cho biết.

Sau khi tốt nghiệp vào tháng 9 năm nay, Thư dự định tìm việc trong lĩnh vực Marketing ở Nhật.

Theo vnexpress