Ảnh minh họa

Nỗi lo nợ nần đè nặng trên vai

Chị Trần Thị Nhung, ở huyện Đan Phượng, Hà Nội, cho biết: Cuối tháng 2/2020, chị đã đưa trước 50 triệu đồng cho môi giới đóng một phần tiền cọc để "lo thủ tục" và "chạy" điểm tiếng để đi làm việc ở Hàn Quốc. Dịch Covid-19 bùng lên khiến mọi hoạt động, dự định của gia đình bị đảo lộn. Suốt 3 tháng qua, chị xoay xở đủ cách để kiếm việc tạm thời nhưng vì dịch bệnh nên việc làm không có, các nguồn thu của gia đình cũng mất hẳn. Cả gia đình rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Nguồn tích lũy cạn dần trong khi số tiền "lo thủ tục" đi xuất khẩu lao động cũng chưa đòi lại được.

Trường hợp chị Nguyễn Thị Thoan, quê ở Vụ Bản (Nam Định), còn bi đát hơn khi bị kẹt lại ngay thời điểm chuẩn bị lên máy bay. Mọi kế hoạch bị dừng lại chỉ vì Covid-19. Chị Thoan buồn bã gói ghém đồ đạc cá nhân, trả lại phòng trọ ở Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) để về quê. Thời gian qua, chị đã gom góp hết tiền tiết kiệm, vay mượn thêm người làng và cả ngân hàng để dồn tiền chuẩn đi lao động ở Đài Loan làm nghề khán hộ công (giúp việc gia đình - PV). Chưa kịp bay, chị đã phải tiêu tốn cả trăm triệu đồng từ tiền đóng cho công ty đưa đi xuất khẩu lao động, tiền học phí đào tạo nghề, sách vở, tiền sinh hoạt, phòng trọ ở Hà Nội...

Chị đếm từng ngày để được ra nước ngoài cố gắng làm lụng có tiền gửi về trả nợ, nuôi 2 đứa con nhỏ ở quê. Giấc mơ chưa kịp thực hiện thì chị nhận được thông báo của công ty là lao động đợt này chưa thể bay và sẽ phải "hoãn vô thời hạn" vì dịch Covid-19. Ít nắm được thông tin, nên chị nửa tin nửa ngờ với thông báo của công ty. Trong khi đó, số tiền chị đã nộp và số tiền lãi vay vẫn đang nhân lên.

Trước ảnh hưởng dịch Covid-19, từ ngày 18/3, một số quốc gia, vùng lãnh thổ như Đài Loan, Malaysia đã ban hành những quy định nhằm hạn chế người nước ngoài nhập cảnh. Theo đó, lao động Việt Nam có kế hoạch xuất ngoại đi làm việc ở các nước, vùng lãnh thổ này sẽ phải tạm dừng có thời hạn hoặc vô thời hạn. Đến nay, các quốc gia, vùng lãnh thổ này vẫn chưa tiếp nhận lại lao động từ nước ngoài, khiến người lao động tiếp tục phải mỏi mòn chờ đợi mà không biết việc "đi hay ở" sẽ được định đoạt thế nào.

Ảnh minh họa

Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tê liệt

Anh Hoàng Văn Huy, quản lý của một công ty dịch vụ cung ứng nguồn nhân lực ở Mỹ Đình (Hà Nội), cho biết: Suốt gần 3 tháng qua, dịch Covid-19 đã khiến cả người lao động và các công ty xuất khẩu lao động gặp nhiều khó khăn. Mọi hoạt động đều cầm chừng, thậm chí phải dừng hẳn để nghe ngóng tình hình dịch bệnh. Đặc biệt, từ khi Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH có Công điện số 02/CĐ-LĐTBXH, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp tạm dừng tổ chức xuất cảnh cho người lao động đến hết ngày 30/4/2020. Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đến thời điểm này gần như tê liệt hoàn toàn.

Theo anh Huy, người lao động không đi lao động được thì doanh nghiệp cũng không có nguồn thu. Nhiều doanh nghiệp đang đứng bên bờ vực phá sản bởi các chi phí vẫn phải bỏ ra. Anh Huy cho rằng: thiệt hại lớn nhất của doanh nghiệp không chỉ là kinh tế mà còn thiệt hại về uy tín. "Ngành xuất khẩu lao động vốn được coi là nhạy cảm. Các công ty hoạt động, tồn tại chủ yếu dựa trên uy tín, niềm tin của người lao động đặt vào công ty. Khi họ mắc kẹt, không thể bay do dịch bệnh, họ sẽ nghĩ ngay đến việc doanh nghiệp không tốt, là lừa đảo".

Với người lao động, theo anh Huy, dịch bệnh khiến họ không bay được, phải thấp thỏm chờ đợi. Những khoản nợ đang đè nặng lên vai của người lao động. Tuy nhiên, thiệt hại lớn nhất không chỉ là tiền bạc đã phải bỏ ra mà còn ảnh hưởng rất lớn tới niềm tin và tâm lý người lao động. Họ luôn lo sợ rằng mình đã bị lừa, bị mất công và tiền của mà không được đi làm theo nguyện vọng.

Còn chị Trần Kim Anh, quản lý của một doanh nghiệp có trụ sở ở Cầu Giấy (Hà Nội) chuyên đưa lao động làm việc tại Nhật Bản, cho biết: Nhiều trường hợp lao động đã hoàn thành học tiếng đạt chứng chỉ N5, xin được lưu trú, Visa rồi cũng phải gác lại và chờ đợi đến khi dịch Covid-19 và phía đối tác được tiếp nhận lao động trở lại.

Theo chị Kim Anh, một số đối tác phía Nhật Bản cũng có những biện pháp tích cực, như: Người được cấp Visa sang làm việc tại Nhật Bản có hiệu lực trong 3 tháng nhưng vì tình hình dịch bệnh, họ kéo dài thời gian này lên là 6 tháng. Còn với những đối tác là nghiệp đoàn, xí nghiệp, bản thân họ không thể sang Việt Nam để tuyển dụng thì tuyển dụng bằng hình thức trực tuyến nhưng số lượng rất hạn chế. Phần lớn các đối tác cũng hủy hợp đồng tuyển dụng lao động, bởi phía đối tác cũng gặp khó khăn, phải cắt giảm nhân lực.

Còn với Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), thời gian gần đây, đơn vị này và các đối tác đã tạm hoãn nhiều chương trình đào tạo, thi tuyển ứng viên đi làm việc ở nước ngoài nhằm phòng, chống dịch Covid-19. Ví dụ, kỳ kiểm tra tiếng Hàn đặc biệt trên máy tính cho người lao động làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS về nước đúng hạn (Đợt 1/2020) đã dừng tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi và hủy kế hoạch tổ chức thi. Trường hợp lao động đã đóng tiền lệ phí kiểm tra tiếng Hàn và nộp hồ sơ đăng ký dự thi, đơn vị này sẽ liên hệ trực tiếp để hướng dẫn nhận lại hồ sơ và các khoản tiền đã nộp.

Người lao động nếu có vấn đề cần hỗ trợ, tư vấn có thể liên hệ với Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) thông qua số tổng đài điện thoại 024.73030199 và kết nối với cán bộ tư vấn thông qua các số máy lẻ:

- Chương trình EPS Hàn Quốc:

+ Tư vấn thông tin, tình hình hồ sơ: 116, 117, 121

+ Thông tin thanh lý hợp đồng, rút tiền ký quỹ: 119

- Chương trình Thực tập sinh Nhật Bản (IM Japan): 115

- Chương trình Điều dưỡng viên Đức: 142

- Chương trình Đài Loan: 121

- Chương trình hộ lý Nhật Bản: 122

Hải Hòa