Thực tập sinh Việt Nam tại Công ty TNHH Mishow (Tokyo) đeo khẩu trang trong khi làm việc. (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN)

Kể từ khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát tại Nhật Bản đến nay, hàng ngày, công việc đầu tiên của Nguyễn Thị Mỹ Loan, một thực tập sinh Việt Nam tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mishow ở thủ đô Tokyo, khi đến nhà máy là rửa tay, sát khuẩn bằng cồn y tế. Đây là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả người lao động ở công ty này.

Cùng với việc xịt cồn sát khuẩn, Mishow còn thực hiện hàng loạt các biện pháp khác để bảo vệ nhân viên trước dịch COVID-19 như xịt cồn diệt khuẩn tay nắm cửa và những nơi mà người lao động thường hay tiếp xúc, phát xà phòng để họ vệ sinh tay theo định kỳ 2 tiếng/lần, hay nhập khẩu trang vải từ Việt Nam để phát cho nhân viên trong bối cảnh Nhật Bản đang rơi vào tình trạng khan hiếm khẩu trang. Nhờ các biện pháp quyết liệt đó nên cho đến nay, chưa có người lao động nào ở Mishow bị nhiễm COVID-19.

Thực tập sinh Nguyễn Thị Mỹ Loan chia sẻ: “Em đến từ Thành phố Hồ Chí Minh và đã làm việc ở Mishow được hai năm. Hiện tại, công ty chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm COVID-19 nên công việc rất ổn. Công ty đã phát khẩu trang cho em. Hàng ngày, cứ hai tiếng một lần, em rửa tay bằng xà bông mà công ty đã phát. Vì vậy, bọn em rất yên tâm."

Trinh, một thực tập sinh khác đang làm việc tại Mishow, cho biết em đã làm việc ở Mishow được bốn năm. Dịch COVID-19 không ảnh hưởng nhiều tới công việc. Em vẫn đi làm bình thường và nhận lương đầy đủ. Để bảo vệ cho bản thân, em luôn đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và hạn chế đi tới nơi đông người. Bên cạnh đó, em cũng ăn uống đầy đủ để tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Mishow là một công ty chuyên sản xuất quần áo cho các thương hiệu nổi tiếng và cao cấp tại Nhật Bản. Công ty có một nhà máy tại tỉnh Long An, Việt Nam. Tính đến thời điểm này, Mishow đã tiếp nhận tổng cộng khoảng 100 thực tập sinh Việt Nam, trong đó có 21 thực tập sinh đang làm việc tại nhà máy ở quận Hachioji, thủ đô Tokyo. Khoảng hai tháng nữa, Mishow sẽ tiếp nhận thêm ba thực tập sinh khác đến từ Việt Nam.

Bà Hiroko Sudo, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Mishow, cho biết: “Công ty đã thực hiện nhiều biện pháp để phòng dịch COVID-19. Mỗi ngày hai lần, chính tôi là người đi lau, xịt khử trùng những nơi mà mọi người thường xuyên tiếp xúc ở trong xưởng như tay nắm cửa ra vào, nhà vệ sinh, tay vịn cầu thang... Khi đi ra ngoài, kể cả khi chỉ vừa ra ngoài rồi quay về công ty, tất cả các nhân viên đều phải rửa tay, sát khuẩn bằng cồn y tế."

"Tôi cũng yêu cầu tất cả các thực tập sinh đi từ công ty hoặc những nơi khác về ký túc xá phải rửa tay xà phòng và súc họng. Ngoài ra, tôi cũng khuyến nghị họ hạn chế đến những nơi đông người và chỉ ra ngoài khi cần thiết. Các thực tập sinh còn trẻ nên thường thích đi chơi đây đó nhưng trong thời gian này, tôi đã nhắc các em hạn chế đi chơi," bà Hiroko Sudo cho biết.

Bên cạnh đó, bà Sudo nói: “Để phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh, các thực tập sinh có thể trạng không khỏe, bị cảm, sốt sẽ được cho về nghỉ ở ký túc xá. Bình thường, chúng tôi sẽ đưa các em đến bệnh viện để khám nhưng trong bối cảnh dịch bệnh đang lây lan như hiện nay, đến bệnh viện khám ngay không phải là biện pháp tốt mà cho các em nghỉ ngơi ở nhà sẽ tốt hơn."

Thực tập sinh Việt Nam tại Công ty TNHH Mishow (Tokyo) sử dụng cồn để sát khuẩn trước khi vào làm việc. (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN)

Không chỉ có các công ty tiếp nhận như Mishow, nhiều nghiệp đoàn ở Nhật Bản đã triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ lao động Việt Nam trước dịch COVID-19. Hiệp hội Hợp tác Tư vấn Thông tin Doanh nghiệp Tokyo (TICC) là một trong những nghiệp đoàn như vậy.

Kể từ khi bắt đầu tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam vào năm 1999 cho đến nay, TICC đã tiếp nhận tổng cộng khoảng 2.000 thực tập sinh Việt Nam. Tại thời điểm hiện nay, TICC đang quản lý 614 thực tập sinh Việt Nam.

Ông Mikio Kesagayama, Chủ tịch Hội đồng Quản trị TICC, nói: “Để phòng chống dịch COVID-19, ngày 29/1, TICC đã tổ chức họp trực tuyến với các văn phòng ở các vùng như Hokkaido, Sendai, Nagoya, Shiga và Kyushu để nắm tình hình và chuẩn bị phương án phòng chống dịch. Chúng tôi đã lập bảng theo dõi tình hình sức khỏe hàng ngày của tất cả nhân viên và thực tập sinh. Hàng ngày, tất cả nhân viên và thực tập sinh đều phải tự điền vào bảng theo dõi về việc có hay không triệu chứng sốt, ho, cảm, có người xung quanh có triệu chứng nhiễm bệnh không, hay trong một tháng gần đây có ra nước ngoài không…”

Tiếp đó, theo ông Kesagayama, ngày 6/2, TICC đã gửi văn bản cho các công ty tiếp nhận đề nghị phối hợp trong việc thực hiện triệt để các biện pháp phòng tránh dịch COVID-19 như định kỳ kiểm tra thân nhiệt của các thực tập sinh và khuyến khích các em thường xuyên rửa tay, súc họng… Trong văn bản đó, chúng tôi cũng cung cấp số điện thoại của Bộ phận tiếp nhận thông tin liên quan đến dịch COVID-19 và địa chỉ website cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản."

Mặt khác, TICC đã liên lạc với các gia đình có thực tập sinh đang làm việc tại Nhật Bản để thông tin về các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 mà nghiệp đoàn đã triển khai để gia đình của các thực tập sinh này có thể yên tâm phần nào. Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục lan rộng, nghiệp đoàn sẽ cập nhật thông tin cho gia đình các thực tập sinh một tuần/lần.

Ông Kesagayama khẳng định: “Việc Chính phủ Việt Nam lo lắng cho các thực tập sinh ở đây là điều không thể tránh khỏi nhưng khi các thực tập sinh làm việc tại Nhật Bản, chắc chắn nghiệp đoàn chúng tôi sẽ có trách nhiệm quản lý và bảo vệ tình hình sức khỏe thực tập sinh."

Bên cạnh đó, không ít người lo lắng liệu dịch COVID-19 có ảnh hưởng đến công việc của các thực tập sinh hay không. Theo ông Kesagayama, trường hợp dịch bệnh làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp như trường hợp doanh thu của doanh nghiệp giảm 20%, Chính phủ Nhật Bản có chủ trương hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp để đảm bảo doanh thu đạt 100%. Vì vậy, trường hợp thực tập sinh làm việc tại các doanh nghiệp bị giảm năng lực sản xuất, không có việc làm sẽ được Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ.

Cũng theo ông Kesagayama, cho thời điểm hiện tại, chưa có thực tập sinh Việt Nam nào do TICC quản lý bị nhiễm COVID-19. Mặc dù vậy, để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, TICC và các công ty tiếp nhận đã chuẩn bị phỏng vấn thực tập sinh qua skype. Đối với thực tập sinh sắp hoàn thành hợp đồng và chuẩn bị về nước, TICC lựa chọn phương án an toàn cho thực tập sinh là bay thẳng về nước bởi vì, trong thời gian này, những chuyến bay quá cảnh thường hay bị hủy.

Có thể thấy, với sự đồng lòng và hợp lực của nghiệp đoàn quản lý và doanh nghiệp tiếp nhận thực tập sinh, các thực tập sinh có thể an tâm ở lại Nhật Bản làm việc trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp ở nước này.

Trước đó, ông Masahiro Hirakawa, Trưởng phòng chỉ đạo nghiệp vụ liên quan tới thực tập sinh kỹ năng của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW), khẳng định hiện tại, có lẽ có nhiều thực tập sinh đang lo lắng trước diễn biến dịch COVID-19 tại Nhật Bản, nhưng “chúng tôi đã và đang hợp tác với nhiều bên liên quan để tiến hành nhiều biện pháp nhằm phòng ngừa dịch bệnh lây lan. Vì vậy, các bạn thực tập sinh hãy yên tâm."

Theo ông Hirakawa, để thực tập sinh có thể yên tâm làm việc, MHLW đã yêu cầu nghiệp đoàn quản lý và công ty tiếp nhận thực tập sinh thực hiện các biện pháp phòng ngừa gồm: Thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh tại nơi làm việc; Tạo điều kiện cho thực tập sinh nghỉ làm trong trường hợp có các triệu chứng như bị sốt, cảm cúm; Cử phiên dịch cùng đi trong trường hợp thực tập sinh cần đi viện. Ngoài ra, thực tập sinh có thể gọi điện đến bộ phận tư vấn bằng tiếng Việt của Tổ chức thực tập sinh nước ngoài (OTIT) để được tư vấn và cung cấp thông tin./.

Theo vietnamplus