Suốt 40 năm qua, trung bình mỗi ngày bà Yoko Ogasawara chỉ tiêu 1.000 yen. Trong khi một bát cơm donburi có giá 700 yen, một bát mì đơn giản có giá 600 yen, vé xem phim thông thường giá 1.800 yen, mức chi tiêu của bà Yoko được xem là tằn tiện.

Chi phí sinh hoạt hàng ngày của bà chỉ bằng một nửa so với mức trung bình của người dân tại Nhật Bản.

Mới đây, nhận lời phỏng vấn trong chương trình chào buổi sáng của đài Fuji TV, bà đã chia sẻ những mẹo chi tiêu tuyệt vời để tiết kiệm những chi phí không cần thiết trong cuộc sống.

                                            Bà Yoko Ogasawara nổi tiếng với lối sống tiết kiệm suốt nhiều năm.


Bà Yoko cho biết luôn tái chế hộp nhựa và túi nylon, dùng chúng thay cho màng bọc nhựa. Bà cũng sử dụng chúng để đặt rau củ sơ chế thay cho đĩa. Những hộp ngũ cốc giấy đã cũ được dùng để chứa những chiếc túi nylon đã gấp gọn.

Thay vì pha trà bằng ấm, bà pha trực tiếp vào tách để đỡ tốn nước. Nước và bã trà còn được bà dùng để chan cơm, đây vốn là một món ăn truyền thống của Nhật, có tên ochazuke.

Bà sử dụng giấy vệ sinh cuộn thay cho giấy ăn đóng hộp để bớt chi phí. Giấy vệ sinh đáp ứng mọi nhu cầu thường ngày, lại có giá rẻ hơn rất nhiều so với những hộp giấy ăn cao cấp.

Để tiết kiệm, bà giữ lại những tờ hóa đơn và kẹp chúng thành tệp nhỏ để làm giấy ghi chú, dùng ghi chép công việc hàng ngày.

Những đồ dùng dạng tuýp như kem đánh răng, sữa rửa mặt rất khó để vắt kiệt, vì vậy khi dùng sắp hết, bà Yoko sẽ cắt chúng ra và vét hết phần bên trong.

                                             Những mẹo nhỏ giúp bà Yoko tiết kiệm được số tiền lớn.


Người phụ nữ 71 tuổi có thói quen dùng những tờ rơi quảng cáo thực phẩm, giấy tạp chí để trải lên bàn ăn, như vậy bà không phải tốn tiền mua khăn trải bàn.

à nói rằng vừa ăn vừa nhìn những hình ảnh đẹp mắt in trên giấy khiến bà ăn ngon hơn, dù chỉ ăn cơm chan nước trà cũng cảm thấy như đang thưởng thức sơn hào hải vị.

Yoko Ogasawara gợi ý mọi người nên tự đặt ra trước hạn mức số tiền nên tiêu trong một ngày, một tuần hoặc một lần đi chơi, mua sắm, phần còn lại nên được kẹp riêng để tránh vung tay quá trán.

Trước khi ra ngoài mua sắm, bà luôn viết ra danh sách những món đồ cần mua. Khi tới siêu thị, chỉ tìm theo danh sách mua sắm và nhanh chóng đến khu vực có món hàng đó, tránh la cà khắp nơi khiến mua sắm những thứ không có trong dự kiến.

Đến quầy thanh toán, bà Yoko còn buộc mình lựa chọn phải trả lại một món hàng trong giỏ, thói quen này giúp bà giảm bớt chi tiêu.

Bà Yoko khẳng định chưa từng chi tiền mua một món gia vị nào. Thay vào đó, bà giữ lại những gói gia vị đi kèm với các loại thực phẩm như mì gói, natto hay những gói sốt miễn phí từ nhà hàng.

Lối sống tiết kiệm đã được bà Yoko thực hành suốt 40 năm qua. Bà nói tiết kiệm là triết lý giúp bà có cuộc đời thư thái, không phải gánh nợ nần. Phương châm của bà là "trẻ sống tiết kiệm, về già an nhàn".

Nhiều người cảm thấy cuộc sống tằn tiện như bà là khổ sở, hành xác. Song bà cho rằng đó là cách sống vừa bảo vệ môi trường, tài nguyên, vừa giúp bản thân có tiền tiết kiệm để làm những thứ mình thích, như đi du lịch nước ngoài.

Theo Zing