leftcenterrightdel
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị bắn khi đang phát biểu (Ảnh: Kyodo/TTXVN). 
 

Tôi biết tin về sự kiện này khi đang làm việc tại nhà vào hôm 8/7. Khi đó là khoảng 12h, tôi vừa xuống nhà ăn cơm trưa, trên tivi lúc đó có đưa tin trực tiếp về hiện trường vụ ám sát.

Ban đầu, tôi không để ý nên cho rằng đó là một vụ tai nạn nghiêm trọng. Nhưng sau ngồi lại theo dõi kỹ hơn, tôi nhận ra là bác cựu thủ tướng Nhật Shinzo Abe bị ám sát! Thời điểm đó tôi nhận được thông tin cũng không nhiều, chỉ có truyền hình trực tiếp tại Nara về vụ việc, rồi về việc cựu thủ tướng Koizumi chia sẻ cảm nhận, rồi về việc sau đó lịch trình của Thủ tướng Kishida bị hoãn lại để đảm bảo an ninh.

Cách đây gần 7 năm, sau khi tốt nghiệp HEDSPI - Đại học Bách Khoa Hà Nội, tôi đã trúng tuyển vào một công ty chuyên về công nghệ thông tin tại Nhật Bản. Điều này tạo điều kiện cho tôi bắt đầu đến Nhật làm việc từ tháng 9/2015. Tại Nhật Bản, tôi làm việc và sinh sống ở khu vực Tokyo. Các bạn đồng nghiệp người Nhật đã giúp đỡ và hỗ trợ tôi từ những ngày đầu tiên cho đến khi mọi thứ ổn định.

Tôi có ấn tượng tốt về đất nước cũng như con người Nhật Bản. Để nói về đất nước và con người Nhật Bản một cách ngắn gọn, tôi dùng từ "cẩn thận, chu đáo". Đơn cử như với một cây tăm được sản xuất ở Nhật: Nó cũng được thiết kế để có thể bẻ ra 2 phần, một phần làm tăm và một phần làm đế để tăm.

Tôi đã từng nói chuyện với người dân Nhật về ông Abe, dù chưa nhiều. Nhưng theo cảm nhận của tôi, đa số mọi người đều quý mến và ủng hộ ông như là một vị thủ tướng yêu nước yêu dân. Tôi từng nghe thông tin Thủ tướng Abe cũng xếp hàng mua hàng ăn nhanh với nhiều người dân Nhật khác xung quanh, cũng như đến diễn thuyết khắp nước Nhật. Trong thời gian chưa nhậm chức Thủ tướng, ông đã từng đi vòng quanh nước Nhật để lắng nghe tâm tư tình cảm của người dân.

Một người nhiệt tình như vậy thì hoàn toàn xứng đáng với sự yêu quý từ mọi người.

Tôi nghĩ ông Abe cũng như chính phủ Nhật đã có nhiều chính sách nằm thúc đẩy giao lưu văn hoá cũng như thúc đẩy hỗ trợ lao động Việt Nam tìm việc làm tại Nhật Bản. Điều này được thể hiện rõ nét qua số lượng du học sinh đến Nhật ngày càng tăng cũng như các biện pháp mạnh tay nhằm bài trừ một số công ty Việt Nam trục lợi bất chính từ xuất khẩu lao động thời kỳ ông đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng.

Mặc dù hôm nay mới là ngày đầu tiên từ sau sự kiện, các diễn biến sau đó ra sao còn là một dấu hỏi. Nhưng thời điểm này, tôi khá lo lắng cho tình hình xã hội Nhật Bản. Bởi lẽ, qua sự kiện này, Chính phủ Nhật có thể sẽ tăng ngân sách cho an ninh như là một biện pháp đối phó.

Điều này vô hình chung khiến Chính phủ phải gánh thêm áp lực về ngân sách trong bối cảnh kinh tế chính trị cả thế giới đang trên đà suy thoái. Đương nhiên như một tác động dây chuyền, sự ảnh hưởng sẽ tác động ít nhiều đến cuộc sống, tâm lý của người dân Nhật Bản cũng như cộng đồng người Việt tại đây.

Kỹ sư công nghệ thông tin Trần Văn Mỹ sinh năm 1992 tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh, Việt Nam). Anh đang sinh sống và làm việc tại Kanagawa (Nhật Bản). 

Theo thoidai