Đấu tranh bình đẳng lương đã kéo dài nhiều thập niên.
Cơ hội mới

Các Cty Anh đã được yêu cầu phải công khai chi tiết những phân biệt giới tính đối với người lao động của mình, vị trí, vai trò và mức lương, trong đó khối các Cty tư nhân có hạn chót là ngày 5.4.2018. Mức hạn dành cho khối công cộng là ngày 31.3. Tuy nhiên, yêu cầu này chỉ áp dụng đối với các tổ chức hiện đang thuê từ 250 lao động trở lên.

Chính phủ Anh vừa ban hành hướng dẫn về dữ liệu giới tính, được công bố hồi tháng 1 năm nay. Các dữ liệu được công bố đến nay cho thấy, nam giới chiếm đa số các vị trí được trả lương hậu hĩnh.

Ông Menzies - GĐ Hãng luật Menzies Law - cho biết, một số vấn đề trên thực tế được giải quyết khá dễ dàng, nhưng phần lớn là khá phức tạp, bao gồm việc thay đổi tư duy về cách các doanh nhân đánh giá vai trò của mình dưới khía cạnh lương bổng, cách họ tuyển dụng nhân sự và cách tạo ra công việc phù hợp hơn cho phụ nữ. Theo lời ông Menzies, đây có thể là thời điểm quan trọng đối với nữ giới trong việc thăng tiến công việc, bởi các tổ chức đang ý thức, thừa nhận và thực hiện việc dành không gian, cơ hội và vị trí có ảnh hưởng thực sự cho các nhân sự cấp cao là phụ nữ.

Minh bạch hóa

Bắt đầu từ ngày 6.4 năm nay, các doanh nghiệp có hơn 250 lao động bắt buộc phải công khai 4 loại số liệu trên website chính phủ cũng như của doanh nghiệp. Có 6 loại tính toán phải được công bố. Các Cty buộc phải công khai công thức và cách tính trung bình đối với mức lương của người lao động và khoảng cách mức thưởng giữa các giới. Họ cũng buộc phải minh bạch tỉ lệ % về cấu trúc lương trong Cty và tỉ lệ nhận thưởng giữa lao động nam và nữ. Các doanh nghiệp được phép công bố “lời giải thích” đối với các số liệu bị yêu cầu công khai.

Hạn chót để các dữ liệu về chi trả phải được công bố là ngày 31.3 đối với các tổ chức thuộc khu vực công và ngày 5.4 đối với các doanh nghiệp và tổ chức từ thiện. Đến nay, mới chỉ 120 Cty công bố dữ liệu của mình, bao gồm Capgemini, hãng tư vấn, công nghệ và outsource hàng đầu thế giới. Theo đó, tỉ lệ nữ nhân viên lĩnh lương thấp hơn trung bình là 19,4%, trong khi đa số các nhân sự cấp cao nam giới có tỉ lệ là 85,5% cao hơn trung bình.

Khoảng cách trả lương lớn nhất giữa các giới tính trong lĩnh vực tài chính là 39,5%, so với 19,2% đối với phần còn lại của toàn bộ nền kinh tế. Điều này có nghĩa là cứ mỗi 1 bảng lao động nam kiếm được, người phụ nữ chỉ kiếm được 60 xu.

Quyền bình đẳng

Khoảng cách trả lương giữa các giới thường bị nhầm lẫn với quyền bình đẳng trả lương.

Điều này phản ánh số lượng nam giới chiếm các vị trí cao cấp, nhận lương cao hơn, còn nữ giới nhận lương thấp hơn bởi chỉ đóng “vai trò hỗ trợ”.

Có nhiều lý do phức tạp và mang tính xã hội đối với sự phân biệt này, theo lập luận của Fawcett Society - tổ chức đấu tranh quyền phụ nữ và bình đẳng giới. Thực tế này bao gồm các yếu tố như chắc chắn phụ nữ sẽ bị cản trở trong công việc bởi trách nhiệm chăm sóc con cái, cũng như chỉ được trả lương thấp hơn, làm những công việc đòi hỏi ít kỹ năng hơn.

Justine Roberts - sáng lập viên tổ chức Mumsnet (một trang web chuyên đề cập về các vấn đề liên quan tới các ông bố, bà mẹ) - cho biết: “Chi phí chăm sóc con cái đắt đỏ, thái độ miễn cưỡng của người sử dụng lao động khi đưa ra những giải pháp làm việc linh hoạt dẫn tới khoảng cách chi trả giữa các giới, và sự bất bình đẳng đối với lao động nam và nữ” - Justine nhấn mạnh. “Tình trạng này dẫn tới sự thụt lùi về nghề nghiệp của nữ giới, coi đó như một điều tất yếu, không có lựa chọn khác, thay vì đấu tranh và yêu cầu được chi trả, tạo cơ hội công việc và đối xử bình đẳng”.

Vấn đề bình đẳng lương xuất hiện khi một người đàn ông được trả lương cao hơn cho cùng một công việc như người phụ nữ. Hiện tượng này nếu xảy ra sẽ bị coi là vi phạm pháp luật, theo đạo luật Bình đẳng chi trả lương, ban hành năm 1970.

Tuy nhiên, theo một phóng sự điều tra mới đây của BBC, tình trạng nam giới được trả công cao hơn nữ giới ở cùng một vị trí công việc vẫn tồn tại, 47 năm sau khi đạo luật đó ra đời. Thực tế là, trung bình một nữ quản lý vẫn kiếm ít hơn 12.000 bảng/năm so với đồng nghiệp nam cùng vị trí.

Luật và hiện thực cuộc sống

Liệu các quy định có thể đi vào cuộc sống? Các ý kiến về vấn đề này chưa có sự đồng thuận. Báo cáo về Chi trả lương giữa các giới năm 2017, được khảo sát bởi Mercer - công ty tư vấn toàn cầu - cho thấy, 74% trong tổng số 164 Cty tại Vương quốc Anh được yêu cầu phải thực hiện các quy định mới, nhưng chỉ 52% sẽ thực hiện.

Justine Roberts cho biết, một số người sử dụng dịch vụ của Mumsnet đã thông báo về việc được trả lương cao “bất thường” trước khi kỳ hạn phải công bố dữ liệu về khoảng cách chi trả giữa các giới.

“Chúng tôi có cơ sở để cho rằng, đây là kết quả của việc các nhà quản lý nhận ra vấn đề trong tổ chức của mình” - Justine khẳng định. “Dữ liệu có thể chỉ là để xuất hiện trước mắt, nhưng dẫu sao, nó vẫn có thể giúp phụ nữ có được một công cụ giá trị khi đàm phán về các mức lương cao hơn”.

Bởi thực tế là dữ liệu dựa trên các số liệu trung bình, nó sẽ không bộc lộ bức tranh toàn cảnh về bất bình đẳng giới trong thực tế làm việc, nhưng ông Menzies nhấn mạnh, đó vẫn là sự khởi đầu đáng lạc quan.

Vị luật sư này tin rằng, có thể mất 20 năm để xóa bỏ khoảng cách về chi trả giữa các giới tại Vương quốc Anh và toàn khối Thịnh vượng chung, nhưng con số đó sẽ phải là 50 năm đối với toàn bộ nền kinh tế trong cả nước. 

                                  Theo Lao động.vn

 10 quốc gia trả lương bình đẳng giới nhất

1- Iceland

2- Phần Lan

3- Na Uy

4- Thụy Điển

5- Rwanda

6- Ireland

7- Philippines

8- Slovenia

9- New Zealand

10- Nicaragua

(Nguồn: Diễn đàn kinh tế thế giới)