Tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), nơi đối diện với tình trạng già hóa dân số và dân số tăng trưởng âm, ngoài việc tích cực đào tạo và giữ chân người tài, chính quyền cũng tích cực thu hút nguồn nhân lực nước ngoài để tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đây là cơ hội cho người nước ngoài, trong đó có người Việt, tới học tập và làm việc tại một trong những nền kinh tế được đánh giá có sức cạnh tranh nhất thế giới.

Cơ hội từ chính sách trọng dụng người tài

Tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), nơi đối diện với tình trạng già hóa dân số và dân số tăng trưởng âm, ngoài việc tích cực đào tạo và giữ chân người tài, chính quyền cũng tích cực thu hút nguồn nhân lực nước ngoài để tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh.

Cuối tháng 12/2022, Hong Kong đã cho ra mắt nền tảng trực tuyến “Cửa sổ dịch vụ nhân tài” để những tài năng trên toàn cầu có ý định đến Hong Kong có thể tìm hiểu và gửi đơn đăng ký.

Chính quyền Hong Kong có kế hoạch thu hút 100.000 “người tài” trong 3 năm và tự tin rằng mỗi năm có thể thu hút được 35.000 người, ít nhất sẽ làm việc ở Hong Kong trong 1 năm.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Hong Kong khởi động “Chương trình giấy thông hành tài năng cao cấp.” Có 3 nhóm đối tượng được tham gia chương trình này gồm những người có mức lương hằng năm trên 2,5 triệu đôla Hong Kong (khoảng 315.000 USD) trong 1 năm trở lại đây; người tốt nghiệp 100 trường đại học hàng đầu thế giới, đã có hơn 3 năm kinh nghiệm làm việc trong 2 năm qua (nhóm đối tượng này không bị hạn chế số lượng); sinh viên tốt nghiệp 100 trường đại học hàng đầu thế giới, dù chưa có kinh nghiệm làm việc, nhưng đã tốt nghiệp trong vòng 5 năm qua (giới hạn ở mức 10.000 người/năm).

Thời hạn thị thực ban đầu là 2 năm và dự kiến có thể được gia hạn 2 lần, mỗi lần 3 năm, cho phép vợ/chồng và con cái chưa đến tuổi thành niên cùng đến Hong Kong.

leftcenterrightdel
Phó Giáo sư Nguyễn Tuấn Anh - Khoa Khoa học sự sống thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong đang giảng bài cho sinh viên, (Ảnh do nhân
vật cung cấp) 

Ngoài ra, chính quyền hòn đảo này cũng nới lỏng điều kiện sinh viên tốt nghiệp không phải là người bản địa ở lại/trở lại Hong Kong làm việc, theo đó, thời gian lưu trú của nhóm đối tượng nêu trên được kéo dài từ 1 năm lên 2 năm.

Một biện pháp nữa là hoàn thuế tem bổ sung mua tài sản ở Hong Kong cho những tài năng nước ngoài đủ tiêu chuẩn. Điều này có nghĩa các tài năng nước ngoài đủ tiêu chuẩn mua tài sản ở Hong Kong có thể xin hoàn thuế tem mà người mua đã nộp đối với bất động sản đầu tiên đã mua và vẫn còn nắm giữ, cũng như thuế tem nhà mới sau khi sống ở Hong Kong đủ 7 năm và trở thành thường trú nhân của Hong Kong.

Không chỉ vậy, chính quyền Hong Kong luôn ưu tiên chất lượng giáo dục và thu hút sinh viên chất lượng cao bằng các chế độ học bổng tốt, cao hơn hẳn nhiều nước trên thế giới.

Ví dụ, đối với nghiên cứu sinh, nếu giành được học bổng của chính quyền Hong Kong (PhD Fellowship Scheme), sẽ nhận được 41.690 USD/năm, cùng chi phí tham gia các hội nghị khoa học và được hỗ trợ về nhà ở.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong. (Ảnh: Mạc Luyện/Vietnam+) 

Chính quyền và các trường đại học ở Hong Kong còn có nhiều học bổng khác dành cho sinh viên quốc tế ở bậc đại học và cao học. Đặc biệt, Hong Kong còn có chính sách trợ cấp sinh hoạt phí cho sinh viên trong khuôn viên trường và ký túc xá, giúp giảm các áp lực về mặt tài chính cho sinh viên. Vì vậy, sinh viên vừa có thể tập trung học tập nghiên cứu trong môi trường hiện đại, vừa đảm bảo chất lượng sống tốt nhất với chi phí rất hợp lý.

Theo đánh giá của Tổng lãnh sự Việt Nam tại Hong Kong Phạm Bình Đàm, Hong Kong là địa điểm rất tốt để du học cũng như lập nghiệp trong tương lai. Chất lượng các trường đại học tại Hong Kong, đặc biệt là các trường xếp hạng trên thế giới, có thể đáp ứng tất cả kỳ vọng dựa trên những tiêu chí về chất lượng, chi phí, tính phù hợp, cơ hội việc làm, vấn đề an ninh, đặc biệt là sự chăm sóc gần gũi, cởi mở và hỗ trợ sinh viên.

Số liệu của Cục quản lý xuất nhập cảnh cho thấy 43.732 người nước ngoài đã học ở Hong Kong vào năm 2021, tăng 24% so với năm 2020.

Phó Giáo sư Nguyễn Tuấn Anh đã có 6 năm công tác tại Khoa Khoa học sự sống thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong (HKUST). Từng là sinh viên Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, làm nghiên cứu sinh và sau tiến sỹ ở Hàn Quốc, Phó Giáo sư Tuấn Anh cho biết có nhiều lý do khiến anh chọn HKUST làm điểm đến tiếp theo vì nhà trường có chế độ lương bổng tốt và nhà cửa rất tốt cho nhân viên, giúp anh và đồng nghiệp có thể toàn tâm tập trung vào công việc nghiên cứu và giảng dạy.

leftcenterrightdel
 Phó Giáo sư Nguyễn Tuấn Anh - Khoa Khoa học sự sống thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong  và các em sinh viên Việt Nam. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Ngoài ra, HKUST có cơ sở vật chất tốt, phòng thí nghiệm hiện đại, tài trợ cho phòng thí nghiệm một nguồn tài chính ổn định trong nhiều năm, cho phép anh có thể tuyển được các nghiên cứu sinh giỏi, trả tiền cho các kỹ thuật viên và nhiều thí nghiệm sinh học đắt tiền.

Các đồng nghiệp trong trường đều là những nhà khoa học xuất sắc, hội tụ từ nhiều quốc gia trên thế giới, có nhiều công trình xuất sắc, anh muốn được hợp tác với họ trong các đề tài cần đến nhiều nhà khoa học.

Hơn nữa, Hong Kong là một thành phố luôn tôn trọng và đối xử công bằng với người nhập cư, khiến anh và gia đình có cảm giác không bị phân biệt khi sống, học tập và làm việc ở đây.

Bác sỹ Nguyễn Hoàng Long, nghiên cứu sinh tại Đại học Trung Văn Hong Kong (CUHK), Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hong Kong thì cho rằng mỗi công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hong Kong luôn mang trong mình trọng trách một người đại sứ quảng bá về tài năng, trình độ, văn hóa của người Việt Nam, đồng thời đóng góp vào sự phát triển chung của Hong Kong.

Đó chính là điều kiện tiên quyết để chính quyền Hong Kong sẽ có thêm nhiều chính sách ưu tiên đối với người Việt Nam, đặc biệt là học sinh sinh viên.

Như chia sẻ của bác sỹ Long, vị trí địa lý và yếu tố lịch sử đặc biệt của Hong Kong đã tạo ra sự giao thoa văn hóa và môi trường giáo dục giữa phương Đông và phương Tây tại thành phố này. Đây cũng chính là lợi thế lớn cho sinh viên quốc tế đến học tập và làm việc tại Hong Kong.

leftcenterrightdel
Giáo sư Liona CY Poon, Trưởng khoa Phụ sản Đại học Trung Văn Hong Kong (ngoài cùng bên phải) đang hướng dẫn cho bác sỹ Nguyễn Hoàng Long. 

Sự đa dạng trong ngôn ngữ là một điểm quan trọng để sinh viên có thể thích ứng nhanh với cuộc sống và học tập tại Hong Kong. Ngoài việc học tập nghiên cứu trong môi trường tiếng Anh, sinh viên có thể sử dụng tiếng Anh, tiếng Quảng Đông và tiếng phổ thông trong cuộc sống hằng ngày với người bản địa.

Vì vậy, sau khi hoàn thành chương trình học tập tại đây, sinh viên sẽ dễ dàng hòa nhập với cuộc sống và môi trường làm việc tại nước mình, hoặc khi tiếp tục học tập, làm việc tại các nước phương Tây.

Bên cạnh đó, Hong Kong có rất nhiều giáo sư là những chuyên gia hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực, có những phát minh sáng chế quan trọng và cũng có nhiều người đạt giải Nobel. Ngoài yếu tố chuyên môn, các giáo sư tại Hong Kong có phong cách làm việc chuyên nghiệp như ở các nước phương Tây, nhưng lại có sự gần gũi trong giao tiếp thường ngày của nền văn hóa châu Á.

Do đó, đối với sinh viên Việt Nam, Hong Kong cũng sẽ là một điểm đến hấp dẫn khi có thể trải nghiệm một nền giáo dục chất lượng cao, tương đương với các cường quốc giáo dục khác trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Australia, Canada… ngay tại một vùng lãnh thổ có khoảng cách địa lý rất gần Việt Nam.

Tiềm năng hợp tác giáo dục-khoa học

 Chất lượng của các sinh viên Việt Nam thể hiện qua các kỳ thi Toán hay Vật lý quốc tế thực sự ấn tượng. Không chỉ vậy, Việt Nam có nhiều nhà khoa học, toán học giỏi, nhiều người trong số này đã trở thành các nhà khoa học nổi tiếng thế giới.

Chính sự phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng nhanh của Việt Nam đã thực sự thu hút sự chú ý của Ban lãnh đạo Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong (HKUST) và đây cũng là lý do nhà trường đẩy mạnh việc tuyển sinh và cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam.

leftcenterrightdel
 

Chính sách trọng dụng người tài ở Hong Kong là cơ hội cho người nước ngoài, trong đó có người Việt, tới học tập và làm việc tại một trong những nền kinh tế được đánh giá có sức cạnh tranh nhất thế giới.

Giáo sư Yang Wang, Phó Hiệu trưởng HKUST đã khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Hong Kong về cơ hội hợp tác thúc đẩy giáo dục khoa học giữa Việt Nam và Hong Kong.

Bạn Nguyễn Thị Mỹ Linh - nghiên cứu sinh tại Khoa Khoa học sự sống của HKUST, chia sẻ Hong Kong nói chung và HKUST nói riêng là một trong những lựa chọn hợp lý để sinh sống và làm việc lâu dài. Hong Kong có nhiều trường đại học, trong đó có HKUST, đạt chất lượng hàng đầu trong khu vực cũng như trên thế giới, đảm bảo môi trường làm việc năng động và hiệu quả.

Bên cạnh đó, HKUST cung cấp các gói học bổng hấp dẫn, có thể lên đến 2,3 tỷ đồng Việt Nam cho 4 năm đối với sinh viên đại học và các mức hỗ trợ cao cho sinh viên sau đại học.

Bác sỹ Nguyễn Hoàng Long từng công tác tại Đại học Y Dược Huế, sau đó theo học chuyên khoa tại Trung tâm Harris Birthright Centre, King’s College Hospital (Anh), rồi chuyển tới Hong Kong.

Hiện bác sỹ Long đang làm nghiên cứu lâm sàng tại Khoa Phụ sản Bệnh viện Prince of Wales - bệnh viện thực hành của Khoa Y, Đại học Trung Văn Hong Kong (CUHK). Anh tâm sự đã chọn Hong Kong làm điểm đến tiếp theo cho chương trình nghiên cứu vì đây là một trong những nơi có thế mạnh về giáo dục tại châu Á, sinh viên có thể trải nghiệm nền giáo dục chất lượng cao, tương đương với các cường quốc giáo dục trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Australia.

leftcenterrightdel
 Bác sỹ Nguyễn Hoàng Long – nghiên cứu sinh (đứng giữa) chụp cùng Giáo sư Liona CY Poon, Trưởng khoa Phụ sản (ngoài cùng bên phải) và Giáo sư
Ronald CC Wang, Phụ trách đào tạo (ngoài cùng bên trái)- Đại học Trung Văn Hong Kong

Đây cũng là lý do số lượng sinh viên Việt Nam sang học đại học và sau đại học ở Hong Kong trong những năm gần đây không ngừng tăng. Hiện Việt Nam có khoảng 200 nghiên cứu sinh và sinh viên đang theo học tại các trường đại học ở Hong Kong, trong đó có HKUST, Đại học Baptist, CUHK.

Tuy nhiên, theo bác sỹ Nguyễn Hoàng Long, mặc dù có nền giáo dục vượt trội tại châu Á, nhưng danh tiếng của các trường đại học tại Hong Kong vẫn chưa được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam như ở Singapore, Hàn Quốc hay Nhật Bản.

Vì vậy, bác sỹ Long cho rằng cần tăng cường quảng bá hình ảnh, giới thiệu thông tin về môi trường giáo dục, môi trường sống, văn hóa của Hong Kong đến các học sinh, sinh viên Việt Nam một cách rộng rãi.

Cùng chung quan điểm trên, Phó Giáo sư sinh học Nguyễn Tuấn Anh, công tác tại Khoa Khoa học sự sống thuộc HKUST cho biết mặc dù đã có nhiều sinh viên và chuyên gia Việt Nam lựa chọn đến học tập và làm việc ở Hong Kong, song hai bên vẫn chưa khai thác hết tiềm năng hợp tác về giáo dục và khoa học.

Rất nhiều chuyên gia và các sinh viên Việt Nam chưa biết nhiều đến giáo dục và khoa học công nghệ ở Hong Kong. Mặc dù Hong Kong chỉ có 7,5 triệu dân, nhỏ hơn Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, nhưng có tới 3-4 trường đại học top 50 thế giới.

Và ngược lại, các trường đại học và nhiều viện nghiên cứu ở Hong Kong cũng chưa biết nhiều đến hệ thống giáo dục của Việt Nam - nơi ngày càng có nhiều các tri thức trẻ tài năng trong nhiều lĩnh vực.

Do đó, Phó Giáo sư Nguyễn Tuấn Anh hy vọng trong thời gian tới Việt Nam và Hong Kong sẽ có nhiều trao đổi hơn về học thuật, khoa học và công nghệ từ nhiều cấp độ như giữa các phòng thí nghiệm, giữa các trường đại học và trên nữa là ngành giáo dục của hai bên.

leftcenterrightdel
 

Trong khi đó, Giáo sư Yang Wang khẳng định Việt Nam có truyền thống rất mạnh về khoa học cơ bản, toán học, vật lý và HKUST cũng rất chú trọng đến khoa học cơ bản - vốn được coi là nền tảng của công nghiệp hóa. Do đó, các ngành học ở HKUST có thể đào tạo sinh viên cho Việt Nam, phù hợp với mong muốn của Việt Nam trở thành một quốc gia công nghiệp. Ông hy vọng trong tương lai, Việt Nam và Hong Kong sẽ có những kết nối và hợp tác sâu sắc hơn về khoa học cơ bản.

Cũng nhằm tăng cường trao đổi và hợp tác với các đối tác của Việt Nam, đoàn của HKUST, do Giáo sư Yang Wang làm trưởng đoàn, đã có chuyến thăm một loạt trường đại học ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hồi giữa tháng 1, trong đó có Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng như làm việc với các công ty và các tổ chức để hướng tới mở rộng quỹ học bổng cho sinh viên Việt Nam.

Nắm bắt được cơ hội học tập và làm việc tại Hong Kong, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Hong Kong đã vận động tích cực để CUHK tiếp tục cấp 30 suất học bổng dành cho sinh viên Việt Nam niên khóa 2023-2024. Chương trình học bổng sẽ tối đa là 2,5 tỷ đồng Việt Nam cho mỗi sinh viên trong 4 năm đại học.

Hầu hết các giáo sư Hong Kong và bản thân các giảng viên người Việt Nam đang công tác và giảng dạy tại Hong Kong cũng như sinh viên Việt Nam đã tốt nghiệp và tiếp tục làm việc tại Hong Kong cho rằng cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp là tương đối rộng mở.

Với việc điều chỉnh chính sách, Hong Kong đang muốn thu hút ngày càng nhiều hơn những lao động trình độ cao làm việc trong các lĩnh vực đặc biệt quan trọng. Nói cách khác, cánh cửa việc làm cho những tài năng, đặc biệt là người Việt Nam tại Hong Kong, đã và đang mở rộng hơn bao giờ hết.

Như khẳng định của ông Trần Quốc Cơ, Tổng thư ký Chính quyền Hong Kong, giáo dục bậc cao là một trong những yếu tố quan trọng trong nỗ lực phát triển nền kinh tế tri thức, do vậy với các trường đẳng cấp thế giới, Hong Kong chắc chắn là nơi mà Việt Nam có thể tận dụng nỗ lực này./.

Theo mega.vietnamplus