Sau 10 năm thực hiện, Chương trình phái cử điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt - Nhật (VJEPA) được phía bạn đánh giá cao. Các cơ sở y tế của Nhật đang mong muốn tiếp nhận nhiều hơn điều dưỡng, hộ lý từ Việt Nam.

Tiềm năng của điều dưỡng, hộ lý Việt 

Tham gia chương trình VJEPA, anh Vũ Văn Minh đã đến làm điều dưỡng ở Bệnh viện Đại học Y Saitama (Nhật Bản). Thời gian đầu, anh Minh rất bỡ ngỡ do tiếng Nhật học tại Việt Nam khác với tiếng địa phương ở Saitama. Để hoàn thiện mình, mỗi ngày anh Minh bỏ thêm 2h để học tiếng địa phương.

Anh Minh chia sẻ, nhờ học tập chăm chỉ, dần dần anh Minh đã đọc, viết, giao tiếp thoải mái với đồng nghiệp và được tham gia trực tiếp vào quá trình khám chữa bệnh và điều trị ở đây.

Là một trong số hàng trăm ứng viên đang học Chương trình tiếng Nhật để chuẩn bị sang nước làm việc, Vũ Phi Hùng - ứng viên hộ lý  học lớp 14, chương trình EPA khóa 8 cho biết, trong thời gian học đại học, Hùng đã có cơ hội sang Nhật thực tập khoảng 10 tháng tại một viện dưỡng lão tỉnh Ehime, Nhật Bản. Anh cho biết, được tiếp xúc với ngôn ngữ, đất nước và con người Nhật Bản, trải nghiệm đó khiến Hùng cảm thấy rất yêu thích công việc hộ lý, và quyết tâm tìm kiếm cơ hội để trở lại Nhật Bản làm việc sau khi về nước.

Cơ hội cho điều dưỡng, hộ lý làm việc lâu dài ở Nhật - 1

Các cơ sở y tế của Nhật đang mong muốn tiếp nhận nhiều hơn điều dưỡng, hộ lý từ Việt Nam (Ảnh: Molisa).

"Ban đầu, em hướng đến mục tiêu sau 1 năm học sẽ đạt trình độ tiếng Nhật tối thiểu ở mức N2, tự tin giao tiếp bằng tiếng Nhật và hiểu rõ hơn về văn hóa, đất nước Nhật Bản trước khi được sang Nhật làm việc. Em sinh hoạt tại ký túc xá của cơ sở đào tạo tiếng Nhật với mục tiêu học tiếng Nhật đạt kết quả thật tốt để sang Nhật làm việc.

Thời gian đầu, tuy có nhiều bỡ ngỡ, khó khăn nhưng em và các bạn đã cùng nhau cố gắng, nỗ lực để vượt qua. Sau một năm học tập, em thấy mình đã tiến bộ rõ rệt, tự tin giao tiếp với thầy cô. Đặc biệt, trong kì thi kiểm tra năng lực tiếng Nhật (NAT-TEST), em đã đỗ 2Kyu.

Sau khi hoàn thành khóa học, có cơ hội sang Nhật làm việc, em đặt ra cho mình  mục tiêu đỗ kỳ thi chứng chỉ quốc gia, và trở thành Nhân viên phúc lợi xã hội, sống và làm việc lâu dài tại Nhật Bản. Với tinh thần học tập quyết tâm như hiện nay, dù có bao nhiêu khó khăn, thử thách phía trước, em tin rằng mình có thể vượt qua được", Hùng chia sẻ.

Học việc lương 30 triệu/tháng, lo ăn ở

Được thành lập nhằm triển khai Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) liên quan đến việc tiếp nhận và phái cử ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam, mục tiêu của chương trình là tuyển chọn và đào tạo các ứng viên điều dưỡng, hộ lý đủ điều kiện đi làm việc tại Nhật Bản và hướng tới làm việc lâu dài tại Nhật thông qua việc thi đỗ chứng chỉ quốc gia tại nước bạn.

Việt Nam và Indonesia, Philippines là ba quốc gia trong khu vực ASEAN có thỏa thuận đưa điều dưỡng và hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản. Qua các đợt thi chứng chỉ điều dưỡng quốc gia Nhật Bản, các ứng viên của Việt Nam đã khẳng định được năng lực vượt trội với trên 70% với ứng viên điều dưỡng và trên 90% với ứng viên hộ lý thi đỗ. Đây là tỷ lệ người lao động đạt chứng chỉ cao nhất trong các nước phái cử.

Triển khai Hiệp định VJEPA, Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức đào tạo, tuyển chọn nhiều được nhiều khóa thực tập sinh. 

Cụ thể, tính từ 2012 đến nay, đã có 10 khóa, với 2.012 ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam được tuyển chọn đi Nhật làm việc. Có gần 1.700 ứng viên của 9 khóa sang làm việc tại các bệnh viện, cơ sở chăm sóc người cao tuổi của Nhật Bản và hiện nước này vẫn tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng thêm điều dưỡng, hộ lý người Việt Nam sang làm việc.

Ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết, Nhật hiện đang thiếu nhân lực trầm trọng, đặc biệt trong lĩnh vực y tế. Cục Quản lý lao động ngoài nước đang nhận hồ sơ tuyển chọn ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang học tập và làm việc tại Nhật Bản khóa 11 với số lượng chỉ tiêu là 240 người.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước chia sẻ thêm, các ứng viên được chọn sẽ được hai Chính phủ hỗ trợ toàn bộ chi phí 1 năm học tiếng Nhật kèm điều kiện ăn ở và sinh hoạt phí trong quá trình đào tạo.

Trong thời gian vừa học vừa làm tại Nhật Bản, các ứng viên được hưởng mức lương từ 160.000-180.000 yên/tháng (tương đương 26 triệu-30 triệu đồng). Ngoài mức lương trên, ứng viên sẽ được nhận các khoản phụ cấp tương ứng với thành tích công việc.

Cũng theo ông Hương, Chương trình VJEPA có quy mô tuyển dụng hàng năm với số lượng chưa nhiều nhưng đây là một chương trình chất lượng cao được cơ quan Nhà nước hai bên trực tiếp phối hợp thực hiện trong tất cả các khâu. Các ứng viên sẽ tham gia thi và đạt được chứng chỉ điều dưỡng, hộ lý quốc gia của Nhật Bản để có thể làm việc lâu dài tại đây.

 

Chương trình EPA - phái cử ứng viên điều dưỡng, hộ lý đi làm việc tại Nhật Bản (EPA) đang ưu tiên hướng tới người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Hiện Cục Quản lý lao động ngoài nước đang nhận hồ sơ tuyển chọn ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang học tập và làm việc tại Nhật Bản khóa 11 với số lượng chỉ tiêu là 240 người. Thời gian nhận hồ sơ tham gia tuyển chọn ứng viên điều dưỡng, hộ lý đến hết ngày 31/10/2022.

Các ứng viên có nguyện vọng tham gia chương trình tuyển chọn khóa 11 có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại Cục Quản lý lao động ngoài nước hoặc gửi qua bưu điện.

 

Theo dantri.com.vn