Nguyễn Hoàng Phúc, 26 tuổi, từng học 3 năm dự bị đại học, 5 năm đại học và thạc sĩ tại Đại học Bath, Anh. Anh chia sẻ một số kinh nghiệm nhận công việc part-time phù hợp. Những điều này được anh chỉ ra khi làm cố vấn cho học sinh Việt Nam mong muốn du học Anh, trong khuôn khổ dự án "Pay It Forward by Du học sinh Việt Nam":

1. Đừng chọn công việc chỉ vì thu nhập

Mình sang Anh từ năm lớp 9, khi giành được học bổng toàn phần học phí cho 3 năm dự bị đại học (một năm GCSE và hai năm A-Level, tương đương như cấp 3 ở Việt Nam). Khi lên đại học, mình học tập theo dạng tự túc. Vì vậy, mình làm thêm nhiều công việc để trang trải cuộc sống.

Trong khi nhiều bạn sang Anh du học sẽ làm những công việc như rửa bát, phụ bàn ở quán ăn, quán cà phê thì mình chọn hướng đi khác. Mình hay nộp hồ sơ xin việc vào những vị trí cần kỹ năng giao tiếp và học thuật, chuyên ngành, chẳng hạn trợ giảng, gia sư hướng dẫn các bạn lớp dưới, dẫn tour tham quan trường, thành phố. Đến năm thứ ba, mình cố gắng giành suất thực tập một năm do các công ty ngoài tuyển chọn ứng viên trong trường, để vừa học tập, vừa có thu nhập.

Lựa chọn của mình không phải do những công việc như phụ bàn không xứng đáng để làm. Nó vẫn khai thác được nhiều kỹ năng như tính kiên trì, sự chủ động trong công việc. Tuy nhiên theo mình, kỹ năng giao tiếp, tiếp xúc và kết nối mọi người, đặc biệt liên quan đến chuyên ngành đang học sẽ quan trọng hơn. Và mình lựa chọn những công việc xoay quanh kỹ năng mình muốn phát triển.

Như những công việc mình chọn, ngoài phát triển kỹ năng, nó còn giúp CV đẹp hơn. Vì vậy, các bạn nên suy nghĩ về công việc part-time để lựa chọn cho phù hợp, cố gắng tìm việc có thể hỗ trợ nâng cao kiến thức, kỹ năng của bản thân chứ đừng chỉ nhìn vào một khía cạnh như dễ làm, nhàn hạ hay thu nhập cao.

              Nguyễn Hoàng Phúc là cựu sinh viên Đại học Bath (Anh). Ảnh: Nhân vật cung cấp.

2Tìm kiếm việc làm part-time từ nhiều luồng

Có nhiều cách để tìm việc part-time, có thể thông qua trường, bạn bè hay đọc thông tin trên mạng. Mình thường tìm kiếm thông qua hai luồng. Thứ nhất là ở trong khoa mình học. Khoa hay tuyển sinh viên năm thứ hai và thứ ba có kinh nghiệm học tập các môn ở năm nhất để làm trợ giảng, giúp đỡ sinh viên năm nhất học tập, giải bài liên quan đến kiến thức chuyên môn.

Số lượng sinh viên năm hai, năm ba khá nhiều. Tuy nhiên, khối lượng học tập rất lớn, đặc biệt với chương trình học lấy bằng master (thạc sĩ) như mình. Vì vậy, nhiều sinh viên không muốn tham gia làm trợ giảng để tập trung vào việc học. Mình thì nghĩ công việc này cũng hỗ trợ việc học, ôn luyện kiến thức chuyên môn nên chỉ cần quản lý thời gian tốt là có thể nhận.

Luồng thứ hai là website của trường. Trường mình có đăng tin tuyển dụng nội bộ với nguồn tin rất rõ ràng. Các vị trí công việc rất đa dạng, từ trông trẻ, phụ bàn đến làm hướng dẫn viên cho khách tham quan trường, thành phố. Các tin tuyển dụng cũng mô tả rõ bạn cần bao nhiêu năm kinh nghiệm, cần có kỹ năng gì. Vì vậy, các bạn sẽ không khó để tìm kiếm một công việc. Quan trọng là phải lựa chọn phù hợp với mong muốn của bản thân và có thể quản lý thời gian để đảm bảo hoàn thành công việc đó song song với việc học.

3. Chú ý kỹ năng giải quyết tình huống khi đi phỏng vấn

Với một số công việc part-time, không đơn giản chỉ nộp hồ sơ là được nhận. Đơn vị tuyển dụng có thể đặt ra những cuộc phỏng vấn nhỏ với những câu hỏi không khó nhưng cũng đòi hỏi bạn phải có sự tìm hiểu một chút trước đó và có kỹ năng giải quyết vấn đề.

Chẳng hạn, khi mình xin làm hướng dẫn viên của trường, họ sẽ hỏi các câu dạng "Nếu khách tham quan gặp vấn đề sức khỏe, bạn sẽ xử lý như nào", "Bạn cần tìm sự hỗ trợ từ bộ phận nào khi gặp vấn đề phát sinh"?

4. Đừng ngại hỏi

Như đã nói ở trên, làm part-time cũng là cách để học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng cho bản thân chứ không đơn thuần để có thêm thu nhập. Vì vậy, bạn hãy cố gắng học hỏi từ các anh chị đi trước, những người đã làm công việc tương tự. Họ sẽ cho bạn nhiều bài học, kinh nghiệm hữu ích.

Nếu công việc có lượng người Việt Nam làm quá ít, bạn vẫn có thể hỏi các bạn nước ngoài. Với đa số người mình gặp, họ nhiệt tình chia sẻ. Với một số công việc nhất định như dẫn tour tham quan hay trợ giảng, bạn có thể đề nghị họ cho theo cùng để học hỏi, quan sát cách họ tương tác với người khác.

Ngoài học hỏi những người có kinh nghiệm, bạn cũng đừng ngại hỏi khi gặp bất kỳ vấn đề gì trong công việc hoặc khi chưa thành thạo kỹ năng nào đó. Chỉ khi hỏi, bạn mới biết mình đang thiếu gì và cần bổ sung kỹ năng nào.

5. Nhất định quản lý tốt thời gian

Như mình đã nhắc rất nhiều ở trên, để có thể làm part-time khi học đại học, bạn cần nhất là kỹ năng quản lý thời gian. Nếu không có kỹ năng này, rất có thể bạn lơ là việc học, dẫn đến không hoàn thành môn đúng kỳ hạn mong đợi, hoặc ngược lại không hoàn thành tốt công việc part-time và bỏ dở giữa chừng.

Không ít bạn rơi vào trường hợp này, đặc biệt khi tới năm thứ tư, khối lượng học tập lớn. Khi đó, mình đã cắt giảm thời gian đi làm thêm để tập trung việc học, ra trường và lấy bằng tốt nghiệp như rất nhiều sinh viên khác cùng khóa.

Ở Anh, visa dành cho sinh viên nước ngoài cho phép bạn làm tối đa 20 tiếng mỗi tuần. Với mình, lượng thời gian này là khá vừa vặn. Nhiều bạn không thể tận dụng hết 20 tiếng. Có những bạn không áp lực về mặt chi phí thậm chí không sử dụng quỹ thời gian này.

Tuy nhiên, với rất nhiều lợi ích từ việc làm thêm, mình khuyên các bạn nên đi làm, ngay cả khi nhận được học bổng toàn phần. Chắc chắn nó sẽ đem lại cho bạn những trải nghiệm mới lạ ngoài vùng an toàn và những kỹ năng cần thiết cho công việc sau khi ra trường.