leftcenterrightdel
Công nhân hái quả việt quất tại một trang trại ở Florida - Ảnh: Reuters 

Vào tháng 6, một công nhân nông trại từ Mexico, người yêu cầu giấu tên vì sợ bị trả thù, đã được đưa đến các trang trại ở bang Georgia, Mỹ, để làm việc qua một đường dây buôn người từ Monterey (một thành phố nằm ở vịnh Monterey trên bờ biển miền Trung bang California).

Người công nhân này phải trả cho những kẻ buôn người 20.000 peso (khoảng 950 USD), từ số tiền mượn của người thân, để thường xuyên đi lại giữa Mexico và Monterey, trước khi được nhóm buôn người cho biết có thể đến Mỹ một cách an toàn.

Ban đầu, người này được cho biết sẽ làm việc trong một trang trại việt quất, nhưng sau đó, đã được đưa đến một cơ sở trồng bắp.

“Chúng tôi đến ngôi nhà mà chúng tôi được sắp xếp ở đó, và phải tự dọn dẹp các phòng. Trong nhà đầy gián, nhện, muỗi, và có rất nhiều rận trong những tấm đệm. Phòng tắm và vòi tắm hoa sen bị cáu bẩn và nghẹt nước. Gian bếp thì thật kinh khủng. Không có máy lạnh, trong khi thời tiết rất nóng bức”, người công nhân kể lại.

Người này cho biết, mỗi ngày phải bắt đầu công việc từ lúc 3g hoặc 4g sáng, kết thúc vào lúc 3g hoặc 4g chiều, nhưng chỉ được nghỉ trưa một lần trong 15 phút, và được trả 225 USD cho 15 ngày làm việc. Anh cũng nghe nói đã có nhiều công nhân thiệt mạng vì làm việc quá sức cho các trang trại này, và cho biết có nhiều công nhân từ Haiti cũng được các đường dây buôn người nói trên đưa đến đây để làm việc.

Sau 20 ngày làm việc tại trang trại trồng bắp, người công nhân được đưa đến làm việc tại một nhà kho chứa dưa leo, nhưng lại không nhận được thêm bất cứ một khoản lương nào cho công việc này. Sau đó, anh được chuyển đến Texas, trước khi thoát khỏi đường dây buôn người và quay trở lại Mexico vào tháng 7/2021.

“Chúng tôi bị lạm dụng rất nhiều nhưng chỉ nhận được một khoản tiền công ít ỏi. Đó hoàn toàn là một trò gian lận”, người lao động Mexico bức xúc và cho biết anh đã phải làm việc dưới sự kiểm soát của một người môi giới lao động có tên JC Longoria Castro. Người này là một trong hơn 20 người môi giới bị truy tố về tội câu kết liên bang vào tháng 10, dựa trên những phát hiện từ cuộc điều tra kéo dài nhiều năm về một đường dây buôn lậu người và buôn bán lao động với quy mô lớn, có cơ sở tại miền Nam Georgia, Florida và Texas.

Các bản cáo trạng mô tả tổ chức này chẳng khác nào một “chế độ nô lệ thời hiện đại”, một vấn đề tồn tại đã khá lâu trong lĩnh vực nông nghiệp Mỹ, nơi có nhiều công nhân bị buôn lậu từ các nước Trung Mỹ đến Mỹ, và phải làm việc trong các trang trại theo kiểu bị “nhốt tù”.

Theo tờ The Guardian, những người làm nông ở Mỹ, đặc biệt là những người lao động nhập cư, rất ít được bảo vệ. Họ không phải là đối tượng được áp dụng Luật Quan hệ lao động quốc gia của Mỹ, được thông qua năm 1935, và Luật Tiêu chuẩn về lao động công bằng năm 1938. Người lao động trong các lĩnh vực nông nghiệp của Mỹ thường xuyên bị lạm dụng dưới nhiều hình thức, từ quấy rối và tấn công tình dục, ăn chặn tiền lương, đến xâm phạm các vấn đề về an toàn, như hành hung gây thương tích, tiếp xúc với hóa chất độc hại, và không ít người đã tử vong trong quá trình làm việc.

Một cuộc điều tra, có tên “Operation Blooming Onion”, cho thấy những kẻ chủ mưu đã buộc người lao động phải trả phí để được đưa đến Mỹ, và chi phí ăn ở theo chương trình thị thực lao động H2-A. Chúng cũng giữ lại giấy tờ tùy thân và giấy tờ đi lại của người lao động nhập cư, để tạo ra sự trói buộc, khiến họ phải làm việc theo ý mình và trả lương rất thấp, thậm chí không trả lương, và đặt họ vào những điều kiện sống vô nhân đạo.

Theo cuộc điều tra, hơn 20 kẻ chủ mưu đã kiếm được 200 triệu USD từ hoạt động buôn người. Số tiền này đã được “rửa” thông qua các giao dịch mua bán bất động sản, xe cộ, kinh doanh nhà hàng, quán bar và sòng bạc. Hơn 100 công nhân đã được giải phóng khỏi đường dây của những kẻ buôn người này.

Theo The Guardian, chương trình thị thực H2-A thường được sử dụng để khai thác lao động nhập cư ở Mỹ, vì theo chương trình này, việc nhập cư của người lao động được gắn liền với những việc làm ngắn hạn, và do đó người lao động khó có cơ hội trở thành thường trú nhân hoặc công dân lâu dài của Mỹ. Nhiều người lao động trong số này đã bị kẹt trong các khoản nợ, vì đã phải vay tiền trả cho các nhà môi giới tuyển dụng để được tham gia chương trình thị thực H2-A. Một số khác đã rơi vào trình trạng bị cưỡng bức lao động và buôn người.

Ông Daniel Costa - Giám đốc phụ trách nghiên cứu chính sách và luật nhập cư của Viện Chính sách kinh tế Mỹ - cho rằng việc thực thi luật lao động trong ngành nông nghiệp chưa thật sự nghiêm minh, và việc thiếu các quy định quản lý hoạt động tuyển dụng lao động bên ngoài Mỹ là những nguyên nhân khiến cho tình trạng lạm dụng công nhân nhập cư trong lĩnh vực này diễn ra trên khắp nước Mỹ.

Theo phunuonline