Ảnh minh hoạ

Đây là quy định tại nghị định 15/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/4, thay thế Nghị định 174/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Do nghị định hiện hành chưa phân định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc sử dụng môi trường mạng, đặc biệt là mạng xã hội, nghị định 15/2020/NĐ-CP đã dành điều 101 để quy định cụ thể.

Theo đó, lần đầu tiên có quy định người cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật; xúc phạm, vu khống danh dự, nhân phẩm người khác sẽ bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng. Chung mức phạt này là hành vi chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; chia sẻ thông tin đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc; chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia.

Mức phạt sẽ từ 20 đến 30 triệu đồng nếu bạn tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng xúc phạm danh dự người khác được hiểu là hành vi chửi bới, đưa các thông tin (gồm cả hình ảnh và âm thanh) sai sự thật lên mạng, viết các bài viết có nội dung bôi nhọ. Hơn nữa, các câu chê bai, trêu ghẹo về khuyết điểm của người khác "một cách quá đáng" như "béo thế", "dạo này xấu thế"... cũng bị coi là xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Theo luật sư, chưa có quy định cụ thể song có thể hiểu tiết lộ đời tư cá nhân được hiểu là hành vi thu thập, lưu trữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật của người khác mà chưa được đồng ý. Ví dụ, bạn tự ý đăng ảnh người khác lên Facebook mà chưa được sự đồng ý cũng là hành vi tiết lộ đời tư cá nhân và bị xử phạt theo quy định ở trên, luật sư phân tích.

Gửi tin nhắn rác bị phạt đến 80 triệu đồng

Điều 94 nêu mức phạt 60-80 triệu đồng với tổ chức có hành vi gửi hoặc phát tán tin nhắn rác, thư điện tử rác, phần mềm độc hại; khai thác, sử dụng các số dịch vụ, số thuê bao viễn thông không đúng mục đích. Quy định tại nghị định hiện hành là 40-50 triệu đồng.

Theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP mức phạt từ 10 đến 20 triệu đồng được áp dụng với người thu thập, sử dụng thông tin của người khác mà không được sự đồng ý. Hành vi nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật cũng cùng mức phạt.

Việc tiết lộ thông tin riêng liên quan người sử dụng dịch vụ viễn thông sẽ bị phạt 30-50 triệu đồng. Hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông; che giấu tên, địa chỉ điện tử của mình hoặc giả mạo tên, địa chỉ điện tử của tổ chức, cá nhân khác khi gửi thư điện tử, tin nhắn bị phạt 50-70 triệu đồng. Các mức phạt này trùng với quy định hiện hành song hành vi được miêu tả chi tiết hơn.

Nghị định 15/2020/NĐ-CP tăng 110 điều so với Nghị định 174/2013/NĐ-CP, thành 224 điều và đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội của cá nhân. "Những quy định chặt chẽ, cụ thể của nghị định mới sẽ khắc phục hạn chế của 174/2013/NĐ-CP khi mà nhiều hành vi không biết xử phạt theo căn cứ nào", luật sư Bình nói.

Theo vnexpress