Tỷ lệ ly dị ở Trung Quốc tăng cao trong những năm gần đây - CHỤP MÀN HÌNH SCMP

Theo luật mới nói trên, có hiệu lực từ ngày 1.1, những cặp vợ chồng đồng ý ly hôn phải hoàn thành thời kỳ “hòa dịu” kéo dài 1 tháng trước khi xem xét lại lập trường của họ. Sau khi thời hạn 30 ngày này trôi qua, các cặp đôi có thể nộp đơn xin ly dị chính thức lần 2.

Luật sư về ly hôn đắt khách

Các luật sư về ly hôn ở Trung Quốc gần đây đã nhận được vô số đề nghị hỗ trợ pháp lý từ những cặp đôi nộp đơn xin ly dị một khi thời hạn 30 ngày của họ đang tới gần, theo tờ South China Morning Post. Trong vài thành phố như Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, nhu cầu tham vấn với luật sư về ly hôn cao đến mức xuất hiện tình trạng có nhiều người lên mạng chào bán lại suất của mình với giá cao cho những cặp vợ chồng muốn ly dị có được cuộc hẹn với luật sư.

Luật sư chuyên về ly hôn Chung Văn ở tỉnh Tứ Xuyên cho hay ông đã nhận vô số cuộc gọi từ những khách hàng quan ngại rằng luật mới nói trên làm phức tạp hóa việc ly dị và tước đi quyền chia tay của họ. Nếu một bên rút thỏa thuận ly dị trước khi thời hạn 30 ngày kết thúc, đơn xin ly dị bị hủy, buộc bên còn lại phải nộp hồ sơ lại và bắt đầu trải qua thời kỳ 30 ngày một lần nữa, hoặc phải nộp đơn kiện để được ly dị - một quá trình nhiêu khê và tốn kém, theo South China Morning Post.

Ông Chung cho hay trước khi thời kỳ “hòa dịu” được đưa ra, một bên vốn đã đồng ý ly dị thì vẫn dễ dàng có thể thay đổi quyết định. “Bây giờ, với kỳ hạn [30 ngày] như thế, quá trình ly dị rất khó đoán”, ông Chung nhận định.

Luật hôn nhân mới của Trung Quốc nhằm ngăn chặn những “cuộc ly hôn hấp tấp” trong giới trẻ ở nước này - CGTN

Khi luật mới được thông qua vào tháng 5.2020, nhiều công dân Trung Quốc chỉ trích chính quyền trung ương can thiệp vào các vấn đề riêng tư. Hơn 600 triệu bình luận được đưa lên mạng có gắn kèm cụm từ “phản đối thời kỳ hòa dịu ly hôn”. Luật mới trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi trên mạng, với nhiều cư dân mạng muốn biết liệu có phải người Trung Quốc không còn tự do ly dị nữa phải không.

Trong khi đó, giới chức Trung Quốc tin rằng luật mới sẽ giúp giảm tỷ lệ ly dị ở nước này, vốn tăng nhanh chóng trong thời gian gần đây, và ngăn chặn những “cuộc ly hôn hấp tấp” trong giới trẻ. Trong năm 2019, khoảng 4,7 triệu cặp đôi nói “không” với đồng ý sống chung, tăng từ con số 1,3 triệu vào năm 2003, khi các cặp đôi lần đầu tiên được phép ly dị bằng cách cùng đồng ý mà không phải ra tòa.

Giáo sư luật Nhiễm Khắc Bình thuộc Đại học Vũ Hán cho rằng các nhà hoạch định chính sách không hài lòng với tình trạng tỷ lệ ly hôn cao. “Dù tự do ly dị là quyền cơ bản của các cá nhân, từ quan điểm về xã hội, tỷ lệ ly dị cao sẽ ảnh hưởng sự ổn định [của đất nước]", ông Nhiễm bình luận.

Bất lợi cho người vợ

Luật mới không áp dụng đối với những trường hợp chồng/vợ nộp đơn ly dị với cơ sở họ là nạn nhân của nạn bạo lực gia đình. Tuy nhiên, luật sư Chung cho rằng luật mới gây bất lợi cho phụ nữ, đặc biệt những người không có nguồn thu nhập độc lập.

“Đàn ông có thể quyết định liệu họ có muốn ly dị hoặc rút lại đơn ly dị hay không. Nếu một phụ nữ muốn và người chồng không muốn, người phụ nữ đó sẽ phải nộp đơn kiện, thuê một luật sư với chi phí cao. Nhiều phụ nữ, đặc biệt là những người vợ làm nội trợ - không có khả năng làm điều này”, ông Chung nhận định.

Tương tự, luật sư Đổng Tiểu Anh ở Quảng Đông tin rằng những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình sẽ gặp khó khăn hơn so với trước trong việc ly dị. “Nếu một người đàn ông không muốn ly dị, người phụ nữ chịu cảnh bạo lực gia đình cần nộp đơn kiện. Việc này mất thời gian. Nhưng Trung Quốc không hỗ trợ những phụ nữ chịu phải bạo lực gia đình, như cung cấp nơi cư trú”, luật sư Đổng khẳng định.

Một cặp đôi chờ nộp đơn tại một phòng đăng ký ly hôn ở thành phố Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc hồi tháng 1 - HOÀN CẦU THỜI BÁO

Các quyền của công dân Trung Quốc về kết hôn và ly dị là vấn đề tranh luận công khai lâu nay. Nhiều cư dân mạng phản đối luật mới, viện dẫn bà Đặng Dĩnh Siêu, vợ của Thủ tướng Trung Quốc đầu tiên Chu Ân Lai và là người phụ trách soạn thảo luật hôn nhân vào năm 1950. Bà Đặng từng nói rằng không nên đặt điều kiện trong việc ly hôn. Bà tin rằng cho phép ly hôn vô điều kiện sẽ mang lại lợi ích cho những phụ nữ bị áp bức trong xã hội Trung Quốc và nếu vợ hoặc chồng muốn ly dị thì cứ cho phép việc này diễn ra.

Hồi tháng 12.2020, vài tuần trước khi luật mới có hiệu lực, một phụ nữ ở tỉnh Thiểm Tây nộp đơn ly dị sau khi “bị chồng đánh đập trong 40 năm”, theo hồ sơ tòa án. Người phụ nữ này nói trước tòa rằng bà đã chờ cho đến khi các con lớn mới đề nghị ly hôn. Tuy nhiên, thẩm phán từ chối cho bà ly dị, lập luận rằng vợ chồng của bà đã sống chung với nhau 40 năm và sẽ cần có nhau trong những năm sau này.

Theo thanhnien