Các thẻ thường trú giả bị cảnh sát Nhật Bản thu giữ - Ảnh: Kyodo

Theo cảnh sát, các nhân viên điều tra đã phát hiện 748 trường hợp sở hữu, làm giả và các vi phạm khác liên quan đến thẻ thường trú trong năm 2019.

Các nhóm tội phạm thường rao bán thẻ thường trú giả trên mạng xã hội cho các đối tượng người nước ngoài muốn ở lại Nhật làm việc sau khi hết hạn thị thực. Trong số 29 quy chế thường trú của Nhật, các quy chế được mua nhiều nhất là những loại cho phép làm việc trong bất cứ lĩnh vực nào và được quyền đổi chỗ làm tùy ý.

Hồi tháng 7-2020, một cặp đôi người Trung Quốc bị bắt vì làm giả thẻ thường trú cho một người Việt Nam hết hạn thị thực. Cặp đôi này hoạt động tại một căn hộ thuộc thành phố Kawaguchi, tỉnh Saitama.

Cảnh sát phát hiện trong máy tính của cặp đôi này dữ liệu liên quan đến 1.800 giấy tờ giả mạo, bao gồm thẻ thường trú, bằng lái xe và sổ hưu.

Theo các điều tra viên, hai người này nhận làm giả giấy tờ cho các công dân Việt Nam, Indonesia và Trung Quốc ở quá hạn, hoặc sinh viên, thực tập sinh.

"Khó để triệt hạ cả tổ chức bởi đầu sỏ được cho là chỉ đạo các hoạt động của cặp đôi này từ Trung Quốc thông qua mạng xã hội", hãng tin Kyodo News dẫn lời một điều tra viên.

Trong tháng 8-2020, cảnh sát Nhật cũng bắt 2 phụ nữ thuộc nhóm trên nghi làm giả giấy tờ cho một người đàn ông Việt Nam. Cặp đôi này thừa nhận bắt đầu làm giả giấy tờ sau khi mất thu nhập do dịch COVID-19.

Họ cho biết kẻ đầu sỏ trả cho họ 300.000 yen mỗi tháng, khoảng 2.900 USD, để làm giả thẻ thường trú được bán với giá 5.000 yen, khoảng 47 USD mỗi thẻ.

Nhật Bản áp dụng hệ thống thị thực mới từ năm 2019 để thu hút lao động nước ngoài nhằm đối phó với tình trạng lão hóa dân số và tỉ lệ sinh giảm. Số lượng lao động nước ngoài ở nước này tăng kỉ lục vào tháng 10-2019, lên đến 1.658.804 người.

Tuy nhiên điều kiện làm việc kém dành cho lao động nước ngoài làm gia tăng các vi phạm liên quan đến thẻ thường trú, nhân viên một công ty giúp đỡ người Việt Nam cho biết.

Theo tuoitre