“Nơi sinh” (Place of Birth - BOD) là một trong những thông tin quan trọng cần có trong quyển hộ chiếu hiện nay.

Nếu không có thông tin về nơi sinh, nhiều quốc gia trên thế giới không chấp nhận hộ chiếu này, từ chối cấp thị thực, hoặc thậm chí người sử dụng hộ chiếu này có thể bị từ chối nhập cảnh tại biên giới quốc gia nơi đến.

Phần lớn hộ chiếu của các quốc gia trên thế giới đều có thông tin về nơi sinh - Ảnh: Airportag
Phần lớn hộ chiếu của các quốc gia trên thế giới đều có thông tin về nơi sinh - Ảnh: Airportag

Theo Best Citizen, một nền tảng tư vấn trực tuyến cung cấp dịch vụ lập kế hoạch nhập tịch và cư trú,  thì nguyên nhân khiến hộ chiếu thiếu thông tin về nơi sinh bị từ chối chủ yếu là liên quan đến “mối quan ngại về an ninh”.

Theo đó, những thông tin cá nhân, bao gồm: nơi sinh, họ và tên, ngày tháng năm sinh cùng các thông tin sinh trắc học (dấu vân tay, nhóm máu, đặc điểm khuôn mặt,...) luôn được cơ quan chức năng kiểm tra trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc tế nhằm phát hiện những đối tượng khủng bố hay đang bị truy nã.  

Quan trọng hơn, thông tin về nơi sinh và ngày tháng năm sinh không bao giờ thay đổi suốt cuộc đời của một công dân, kể cả khi họ thay đổi bao nhiêu hộ chiếu đi nữa bởi đây là những “đặc điểm nhận dạng đặc trưng riêng biệt” của một con người. Bởi vậy, quyển hộ chiếu bị thiếu (hoặc bỏ trống) thông tin về nơi sinh thường bị đặt vào diện “tiềm ẩn mối nguy về an ninh” khi nhân viên hữu trách kiểm tra tại biên giới.

Mặc dù tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) - một tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc chịu trách nhiệm soạn thảo và đưa ra các quy định về hàng không trên toàn thế giới -  xem việc cung cấp thông tin về nơi sinh trên hộ chiếu là “tùy chọn”, tuy nhiên, tổ chức này cũng khuyến cáo các quốc gia cần cân nhắc thận trọng khi loại bỏ thông tin này trên quyển hộ chiếu của quốc gia mình.

Từ năm 1986, có 2 quốc gia là Canada và Áo đã quyết định cho phép công dân của mình lựa chọn để hay xóa thông tin về nơi sinh trên hộ chiếu. Tuy nhiên, kết quả thống kê sau một thời gian triển khai cho thấy, rất ít người chọn bỏ trống thông tin này khi làm hộ chiếu.

Chính phủ Canada cũng khuyến cáo về việc công dân của mình về nguy cơ sẽ phải đối mặt với một số rắc rối nếu hộ chiếu thiếu thông tin quan trọng này. Chẳng hạn như: gặp khó khăn khi xin thị thực, hoặc thậm chí bị từ chối cấp thị thực; bị chậm trễ khi nhập cảnh, hay thậm chí bị từ chối nhập cảnh khi đến biên giới của nước khác...

Những người có hộ chiếu thiếu thông tin về nơi sinh có thể gặp rắc rối khi làm thủ tục nhập cảnh vào quốc gia khác - Ảnh: Michael Paulsen/Chron
Những người có hộ chiếu thiếu thông tin về nơi sinh có thể gặp rắc rối khi làm thủ tục nhập cảnh vào quốc gia khác - Ảnh: Michael Paulsen/Chron

Với Mỹ thì công dân sẽ không được cấp hộ chiếu nếu thiếu thông tin về nơi sinh. Thông tin về nơi sinh là một phần không thể thiếu trong việc xác định danh tính của một cá nhân bởi nó giúp phân biệt một cá nhân với những người khác có cùng tên và/hoặc ngày sinh.

Thông tin này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy xuất hồ sơ hộ chiếu để hỗ trợ các cơ quan hữu trách của Mỹ xác định quốc tịch hoặc thông báo cho thân nhân khi xảy ra các trường hợp khẩn cấp.

Từ lâu, Vương quốc Anh đã áp dụng việc ghi hoặc hiển thị thông tin nơi sinh trên hộ chiếu và các loại giấy tờ thông hành phải trùng khớp với thông tin nơi sinh trên giấy khai sinh của công dân. Thông tin về nơi sinh có thể là thị trấn, thôn, bản, ấp, khu phố... nơi cá nhân sinh ra. Trong các trường hợp ngoại lệ khi công dân không thể xác định được những thông tin này thì có thể chỉ phải cung cấp thông tin về cấp hành chính cao hơn, như quận hay thành phố nơi sinh ra bởi đây cũng là căn cứ để xác định quốc tịch của người dân.

Tuy nhiên, cũng có một số quốc gia không đưa thông tin về nơi sinh lên quyển hộ chiếu khi cấp cho công dân của mình, trong đó có Hàn Quốc và Nhật Bản.

Hộ chiếu của Hàn Quốc không thể hiện thông tin về nơi sinh - Ảnh: BNG hàn Quốc
Hộ chiếu của Hàn Quốc không thể hiện thông tin về nơi sinh - Ảnh: BNG hàn Quốc

Nhìn vào quyển hộ chiếu của Hàn Quốc, người ta có thể nhìn thấy những thông tin cơ bản như: họ tên, ngày sinh, giới tính… Tuy nhiên, thông tin nơi sinh không hề xuất hiện. Từ tháng 8/2008, Hàn Quốc cũng đã bắt đầu áp dụng hộ chiếu sinh trắc học có trang bị con chip chứa các thông tin cá nhân của công dân. Tháng 12/2021, chính phủ nước này tiếp tục giới thiệu mẫu hộ chiếu sinh trắc học thế hệ mới với nhiều bổ sung về tính bảo mật và an ninh thông tin.

Với hộ chiếu Nhật Bản thì không có thông tin về nơi sinh. Thay vào đó, sẽ có thông tin về nơi thường trú của công dân, thường là địa chỉ cố định mà người dân sinh sống được ghi nhận trong sổ đăng ký gia đình (gọi là Koseki).

Theo phunuonline.com.vn