Gừng không những là loại gia vị phổ biến mà còn được sử dụng như một vị thuốc. Việc dùng gừng để hỗ trợ điều trị các bệnh lý đã trở nên phổ biến, trong đó có trị cảm cúm bằng gừng. Vậy gừng có tác dụng gì trong điều trị cảm cúm và dùng gừng trị cảm cúm như thế nào?

1. Tác dụng của gừng trong điều trị cảm cúm

Gừng có tên khoa học là Zingiber officinale. Đây là loại thực vật chủ yếu được trồng ở châu Á hay các vùng khí hậu nhiệt đới. Trong các bộ phận thì củ gừng (rễ) được sử dụng nhiều nhất. Củ gừng là thảo dược có vị cay, tính ấm, mùi thơm nồng, dùng để chữa trị nhiều bệnh lý khác nhau, trong đó cảm cúm.

Vậy gừng có tác dụng gì trong điều trị cảm cúm? Theo đó, hương thơm và mùi vị của gừng là do các loại dầu tự nhiên được tích hợp bên trong nó, trong đó hợp chất gingerol là quan trọng nhất. Trong khi đó, gingerol được biết đến là hợp chất có tính sinh học cao trong gừng, có hoạt tính chống oxy hóa mạnh mẽ, giảm đau, sưng cũng như chống viêm tốt.

Chính hợp chất gingerol từ gừng này đã được đưa vào các bài thuốc hỗ trợ tiêu hóa, giảm buồn nôn, giảm tình trạng đầy hơi khó tiêu. Không những vậy, nó còn có tác dụng giúp kích thích sự thèm ăn, giải cảm lạnh và cảm cúm hiệu quả.

Bật mí cách trị cảm cúm bằng gừng tại nhà - Ảnh 1.

Gừng là thảo dược dùng để hỗ trợ chữa trị nhiều bệnh lý khác nhau - Ảnh Internet.

2. 4 cách hỗ trợ điều trị cảm cúm bằng gừng

2.1. Hỗ trợ điều trị cảm cúm bằng gừng tươi

Khi có các triệu chứng cảm cúm hay cảm lạnh như ho, đau họng, ngứa rát cổ, bạn chỉ cần gọt vỏ, rửa sạch và thái một miếng gừng nhỏ rồi ngậm từ từ sau đó nhai nhỏ để giảm triệu chứng cảm cúm.

Lưu ý, khi ăn gừng tươi, cần nuốt phần nước từ từ để nước gừng tươi thấm vào cổ họng. Khi ăn gừng tươi cũng có thể nuốt cả phần bã gừng. Việc ăn gừng tươi sẽ giúp làm dịu cơn đau họng, khiến cố họng ấm lên và giảm cơn ho rất nhiều. Có thể ăn gừng tươi 2 -3 lần mỗi ngày để đẩy lùi cơn ho, đau họng do cảm cúm.

2.2. Uống trà gừng 

Trà gừng là một trong những cách giúp làm giảm các triệu chứng cảm cúm hiệu quả, mọi người có thể làm trà gừng với nhiều cách khác nhau như:

- Trà gừng mật ong

Trà gừng nóng với ít mật ong có tác dụng làm dịu cổ họng cũng như làm giảm triệu chứng nghẹt mũi một cách nhanh chóng.

Để làm loại trà này, các bạn có thể thực hiện theo các bước sau:

+ Lấy 1 củ gừng tươi, cạo sạch lớp vỏ bên ngoài rồi đem đi thái mỏng.

+ Sau đó, cho các lát gừng mỏng vào một ly nước ấm rồi chờ khoảng 5 phút.

+ Cuối cùng, bạn thêm một thìa mật ong và khuấy đều, như vậy là đã có thể thưởng thức.

Bật mí cách trị cảm cúm bằng gừng tại nhà - Ảnh 2.

Gừng và mật ong đều có tác dụng tăng cường đề kháng, kháng khuẩn nên có tác dụng giảm cảm tốt - Ảnh ST.

- Trà sả gừng

Sả có đặc tính chống viêm cực tốt nên khi kết hợp với gừng sẽ giúp giảm cảm nhanh chóng, hiệu quả.

Để làm trà sả gừng trị cảm cúm, bạn chỉ cần lấy chút gừng rồi bỏ sả vào nước sôi, đậy nắp lại và tắt lửa. Để sả trong khoảng thời gian 3 - 4 phút cho ngấm rồi thưởng thức. Bạn cũng có thể cho thêm ít mật ong để tăng hương vị và dễ uống hơn.

- Trà chanh sả gừng

Ngoài cách giải cảm bằng gừng kết hợp với sả, mật ong, bạn cũng có thể kết hợp với chanh. Chanh có tác dụng tống đờm ra ngoài. Không những vậy, trong thành phần của chanh có chứa vitamin C, giúp cơ thể tăng sức đề kháng.

Như cách làm các loại trà gừng như trên, bạn chỉ cần nấu trà gừng sả bình thường rồi sau pha thêm 1 chút nước cốt chanh là có thể thưởng thức.

2.3. Hỗ trợ điều trị cảm cúm bằng cháo gừng

Thông thường, khi bị cảm cúm, mọi người thường được khuyến khích bổ sung chất lỏng bằng cách uống nhiều nước hoặc ăn thức ăn lỏng và dễ tiêu hóa. Trong đó, ăn cháo gừng để giải cảm là lựa chọn không thể bỏ qua.

Cách nấu cháo gừng rất đơn giản:

- Tiến hành vo gạo rồi nấu cháo, bạn có thể cho thêm chút thịt băm để tăng giá trị dinh dưỡng.

- Đợi cháo chín cho vài lát gừng tươi vào

- Cho thêm ít hành lá, tía tô để tăng hương vị và tăng tác dụng giải cảm.

Bên cạnh dùng cháo gừng để trị cảm cúm, bạn cũng có thể cho gừng vào các món ăn. Ví dụ, có thể cho vài nhánh gừng nhỏ vào cá kho hay món gà,...

Bật mí cách trị cảm cúm bằng gừng tại nhà - Ảnh 3.

Khi bị cảm cúm mọi người nên ăn cháo gừng, hành, tía tô giúp giải cảm - Ảnh Internet.

2.4. Giải cảm bằng cách xông hơi với gừng

Bên cạnh cách dùng trực tiếp gừng làm trà, nấu cháo hay cho vào món ăn, xông hơi bằng gừng cũng là cách phổ biến để hỗ trợ điều trị các triệu chứng cảm lạnh, cảm cúm. Tinh dầu gừng được hít vào khi xông hơi với gừng sẽ giúp cơ thể thoải mái và giải cảm hiệu quả.

Để áp dụng phương pháp này, bạn cần chuẩn bị các loại nguyên liệu như gừng củ, lá chanh, lá sả, vỏ bưởi, hương nhu, ngải cứu, tía tô, kinh giới, bạc hà, lá gừng,... Lưu ý, có thể dùng một vài loại lá trên kết hợp với gừng hoặc tất cả các loại trên kết hợp với nhau.

Sau đó, rửa sạch các nguyên liệu, vò nát các loại lá, đập dập củ gừng rồi cho vào nồi nước và nấu sôi. Tiếp theo, vặn lửa nhỏ cho sôi khoảng 10 - 15 phút để các tinh dầu lan tỏa tốt hơn.

Cuối cùng, tiến hành đặt nồi nước xông trước mặt, trùm chăn kín rồi từ từ mở hé vung nồi cho hơi nước thoát ra, điều chỉnh độ nóng vừa ở mức chịu đựng được và tránh bị bỏng. Khi xông, cần hít thở mạnh và sâu để hương tinh dầu vào sâu trong phế nang.

3. Những lưu ý khi hỗ trợ điều trị cảm cúm bằng gừng

Khi dùng gừng để hỗ trợ điều trị cảm cúm, mọi người nên lưu ý một số vấn đề như:

- Gừng có tính cay nóng. Nếu sử dụng quá nhiều sẽ gây nóng trong người. Vì thế, cần dùng gừng với lượng vừa phải.

- Phụ nữ mang thai không nên sử dụng quá nhiều gừng để trị cảm cúm. Đặc biệt những người có tiền sử sảy thai, chảy máu âm đạo hoặc các vấn đề đông máu không nên sử dụng gừng. 

- Dùng gừng để giải cảm chỉ hiệu quả trong trường hợp bệnh nhẹ và hiệu quả của phương pháp này còn tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người.

- Không nên dùng gừng để hỗ trợ điều trị cảm cúm với các đối tượng dị ứng với gừng, đang dùng thuốc chống đông warfarin.

Trên đây là những thông tin về cách hỗ trợ điều trị cảm cúm bằng gừng tại nhà an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, cần lưu ý, nếu tình trạng cảm cúm vẫn kéo dài mà không có dấu hiệu thuyên giảm, tốt nhất bạn nên đến bệnh viện thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

Ngọc Điệp