leftcenterrightdel
Duy trì tuổi thọ bằng những thói quen sống lành mạnh. Ảnh: New York Post 

Chia sẻ với Eat This, Not That, TS Tomi Mitchell - Bác sĩ gia đình thuộc Hội đồng Chứng nhận về Chiến lược Sức khỏe Toàn diện - chỉ ra một số cách để kéo dài tuổi thọ.

Đừng bỏ bê sức khỏe

Là một bác sĩ, TS Mitchell tận mắt chứng kiến hậu quả và tác động tàn khốc của việc bỏ bê sức khỏe, không chăm sóc y tế hoặc không thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Vì vậy, TS Mitchell khuyên nên ưu tiên sức khỏe bằng cách thay đổi thói quen hàng ngày, thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và khám sàng lọc phòng ngừa.

"Tất nhiên, sẽ có lúc bạn gặp bệnh tật hoặc chấn thương, nhưng bằng cách chăm sóc sức khỏe ban đầu, bạn có thể giảm thiểu nguy cơ gặp các vấn đề nghiêm trọng", vị tiến sĩ nói.

Tuy nhiên, việc tuân thủ những thói quen này có thể gặp khó khăn, nhất là khi chúng ta không có thời gian hoặc nguồn lực để thực hiện.

Ví dụ, ăn uống lành mạnh có thể tốn kém khi mua sản phẩm hữu cơ. Việc tập thể dục cũng dễ đòi hỏi chi phí để tới phòng tập. Ngoài ra, định nghĩa về lối sống lành mạnh mỗi người mỗi khác. Những gì hiệu quả với người này không có nghĩa là hiệu quả với người khác.

Vì vậy, hãy tìm ra điều phù hợp với mình nhất, tìm thấy động lực và cố gắng kiên định với mục tiêu để sớm nhìn thấy kết quả hơn.

leftcenterrightdel
Rửa tay đúng cách với xà phòng và nước sạch đã dễ dàng giúp cơ thể tránh mối nguy bệnh tật. Ảnh: Medical News Today 

Hãy là một “germaphobe”?

TS Mitchell khuyên bạn hãy sống như một "germaphobe" - ám ảnh sạch sẽ, sợ ô nhiễm và vi trùng. Bà chỉ ra việc đơn giản như rửa tay đúng cách với xà phòng và nước sạch đã dễ dàng giúp cơ thể tránh mối nguy bệnh tật.

Nữ tiến sĩ cho biết bà từng làm thí nghiệm các mẫu vật tại khu vực công cộng như trường học, kết quả rất tồi tệ.

“Vì vậy, tôi từ chối chạm vào tay nắm cửa nhà tắm công cộng, sẵn sàng dùng khăn giấy, cùi chỏ hoặc thứ gì khác để mở cửa nếu có thể", TS Mitchell nói. Đại dịch cũng cho thấy tầm quan trọng của việc giữ khoảng cách và rửa tay, vị tiến sĩ nói thêm.

Hãy lưu ý rằng đây sẽ là một quan điểm gây tranh cãi và nhiều người sẽ không đồng ý với bà Mitchell việc này. Việc tiếp xúc với vi trùng từ sớm có thể thúc đẩy hệ miễn dịch về lâu dài, giúp chống lại dị ứng và hen suyễn.

Tuy nhiên, trong một câu hỏi về việc liệu Covid-19 và việc giữ vệ sinh quá kỹ trong thời đại dịch có khiến cơ thể chúng ta yếu đi không, Trường Y của MIT giải đáp rằng vào thời điểm bạn là một người trưởng thành, bạn đã sống đủ lâu để được tiếp xúc với nhiều loại virus và vi khuẩn. Hệ đề kháng của bạn đã đủ khỏe để thích ứng với các vi khuẩn đó rồi.

Đừng hút thuốc

TS Mitchell nhấn mạnh hút thuốc tác động nghiêm trọng đến tuổi thọ của bạn, nhưng một số người vẫn bất chấp duy trì thói quen không lành mạnh này.

Các nghiên cứu chỉ ra những người hút thuốc có nhiều khả năng chết sớm hơn những người không hút, ngay cả khi họ chỉ thỉnh thoảng sử dụng.

Không chỉ những người hút thuốc mới có nguy cơ mắc bệnh. Tiếp xúc trực tiếp với khói thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp, ung thư và các vấn đề sức khỏe khác.

Uống nhiều nước

Uống nước là điều cần thiết để có sức khỏe tốt. Mọi tế bào, mô và cơ quan trong cơ thể đều cần nước để hoạt động bình thường.

Ví dụ, nước mang chất dinh dưỡng và oxy đến mọi tế bào trong cơ thể, đẩy chất độc khỏi các cơ quan quan trọng, làm ẩm màng nhầy, điều hòa nhiệt độ cơ thể và bôi trơn các khớp nối.

Cơ thể dễ bị mất nước nếu không uống đủ, dẫn đến trạng thái mệt mỏi, lâng lâng, đau đầu, thậm chí đột quỵ, co giật và nhập viện. Mất nước mạn tính cũng dễ dẫn đến tình trạng sức khỏe nghiêm trọng như sỏi thận, ung thư bàng quang, nhiễm trùng đường tiết niệu.

Uống nhiều nước hàng ngày là điều cần thiết, nhất là khi thời tiết nắng nóng hoặc hoạt động thể chất.

Chất lỏng tốt nhất để hydrat hóa là nước lọc. Tuy nhiên, nước trái cây, sữa, súp cũng có thể làm tăng lượng chất lỏng hàng ngày của bạn, TS Mitchell cho biết.

Khi chọn đồ uống, hãy tìm loại không chứa calo hoặc đường bổ sung. Tránh đồ uống có đường như soda, đồ uống thể thao và rượu, chúng có thể khiến bạn bị mất nước nhiều hơn.

"Hãy nhớ uống nhiều nước ngay cả khi bạn không cảm thấy khát. Vào thời điểm thấy khát, bạn có thể đã bị mất nước", nữ tiến sĩ nói.

leftcenterrightdel
Lòng biết ơn, thái độ tích cực có tác động tốt đến sức khỏe thể chất và tâm lý. Ảnh: Utah State 

Có thái độ biết ơn, tích cực

Theo TS Mitchell, ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy lòng biết ơn có tác động tích cực đến sức khỏe thể chất và tâm lý. Những người biết ơn có nhiều khả năng tập thể dụng thường xuyên, chế độ ăn uống lành mạnh và khám sức khỏe định kỳ.

Hơn nữa, những người biết ơn có mức độ hài lòng cao hơn với cuộc sống, ít có khả năng trầm cảm, lo lắng và cô đơn. Tất cả những yếu tố này có thể dẫn đến kéo dài tuổi thọ.

Ngoài ra, lòng biết ơn được chứng minh giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, chống lại bệnh tật.

Không có gì đảm bảo chắc chắn lòng biết ơn sẽ dẫn đến một cuộc sống lâu dài, nhưng rõ ràng, nó ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tổng thể và hạnh phúc của mỗi người.

“Khá khó để có thể tức giận và mỉm cười cùng một lúc. Nếu bạn đấu tranh để có một thái độ tích cực, hãy cố gắng mang lại nụ cười tự nhiên cho chính mình", TS Mitchell đưa ra lời khuyên.

Tránh các hành vi rủi ro

Nhiều hành vi có thể khiến một người lâm vào nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe hoặc tử vong sớm như hút thuốc, uống quá nhiều rượu, sử dụng ma túy hay tình dục không an toàn.

Những hành vi này dễ dẫn đến các bệnh mạn tính như ung thư, bệnh tim và đột quỵ. Chúng cũng có thể dẫn đến chấn thương, bạo lực và mang thai ngoài ý muốn.

Do đó, nên tránh những hành vi rủi ro để có một cuộc sống khỏe mạnh và lâu dài hơn.

Theo Zingnews